Trong 02 ngày 14 và 17 tháng 3 năm 2017, Hội Nông dân tỉnh tổ chức giao ban cụm các xã vùng biển bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển của 4 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh nhằm nắm bắt tình hình, bàn giải pháp hỗ trợ cho nông dân vùng biển phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Đoàn công tác giao ban với các xã vùng biển huyện Vĩnh Linh và Gio Linh
Đoàn công tác do đồng chí Lê Phúc Thiện – TUV, Chủ tịch HND tỉnh làm trưởng đoàn, cùng các đồng chí trong Tổ công tác Dân vận của Hội Nông dân tỉnh. Ngày 14/3, tổ chức tại UBND thị trấn Cửa Tùng cụm phía Bắc gồm các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), và các xã Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, vắng xã Gio Mai); ngày 17/3 cụm phía Nam được tổ chức tại UBND xã Triệu Lăng gồm các xã Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng), xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu An, Triệu Phước, Triệu Độ (huyện Triệu Phong).
Các cơ sở Hội báo cáo tình hình chung của địa phương, kết quả bổi thường thiệt hại cho nông dân về nuôi trồng, đánh bắt, kinh doanh dịch vụ… Kết quả nông dân đã được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, đời sống trên địa bàn và những kiến nghị đề xuất với các ban ngành liên quan. Thời gian qua, tình hình tư tưởng của cán bộ, hội viên, nông dân trong địa bàn toàn tỉnh tương đối ổn định, tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đến nay chưa có vụ việc gì nổi cộm xảy ra trong công tác đền bù thiệt hại. Theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các huyện cơ bản đã giải ngân xong đợt 1, đợt 2 cho các đối tượng là chủ thuyền, lao động trên biển và các hộ NTTS. Riêng xã Triệu Phước huyện Triệu Phong chưa giải ngân hết được cho các đối tượng do còn vướng mắc trong rà soát, thẩm định xác định lại diện tích thâm canh, công suất máy; ngoài ra các xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh), xã Hải An, xã Hải Khê (Hải Lăng) đã giải ngân xong đợt 3 cho các lao động gián tiếp khác; các xã còn lại đang rà soát thẩm định, tiếp tục giải ngân trong thời gian sớm nhất.
Đồng chí Lê Phúc Thiện – TUV, Chủ tịch HND tỉnh chủ trì giao ban các xã vùng biển huyện Hải Lăng và Triệu Phong
Sau khi nhận tiền đền bù, một số ngư dân đã nâng cấp sửa sang lại tàu, thuyền ra khơi bám biển, cải tạo lại ao hồ nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng trang trại, gia trại chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế bền vững, điển hình có xã Hải An đã xây dựng 267/271 mô hình với số tiền 417,6 triệu đồng trong đó có 37 mô hình nuôi lợn từ 20 con trở lên; 14 mô hình trồng cỏ nuôi bò lai từ 2 con trở lên với diện tích trồng cỏ 8.800m2; 04 mô hình nuôi cá diện tích 683m2; 01 mô hình điểm của tỉnh nuôi 20 con bò, trồng cỏ 600m2; 215 mô hình trồng ném, diện tích 56,700m2. Xã Triệu Vân từ các nguồn hỗ trợ, địa phương đã triển khai 08 mô hình trồng gấc nuôi gà, 5 triệu/mô hình; 08 mô hình trồng mướp đắng dưa kiệu, 5 triệu/mô hình; 06 hộ chăn nuôi lợn mỗi hộ 5 triệu; 06 mô hình trồng cỏ nuôi bò, 10 triệu đồng/ mô hình; 02 mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản; 02 mô hình nuôi lợn nái sinh sản, mỗi mô hình hỗ trợ 25 triệu đồng. Nhìn chung, nông dân rất phấn khởi khi Chính phủ có quyết định về định mức bồi thường thiệt hại cho người dân vì sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Bên cạnh những giải pháp đưa ra, các cơ sở có những đề xuất, kiến nghị để hỗ trợ chuyển đổi sinh kế phù hợp với từng địa phương: hỗ trợ cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để chuyển đổi nghề mới; các mô hình chuyển đổi thực hiện thành công, sau khi được nhân rộng, vấn đề tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong chăn nuôi và trồng trọt gặp khó khăn; các vùng biển bãi ngang huyện Vĩnh Linh, Gio Linh thiếu bến bãi neo đậu tàu thuyền khi nâng cấp hoán đổi tàu thuyền công suất lớn hơn…
Trần Thúy