Ngày 24/3/2016, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, các Sở, ngành, địa phương liên quan có buổi đối thoại với đại diện các hộ dân nhận khoán đất trồng cà phê tại Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm về một số nội dung liên quan đến chế độ nộp Bảo hiểm xã hội, thực hiện Cổ phần hóa, cầm cố tài sản để vay vốn ở Ngân hàng, quản lý đất đai... tại Công ty Cồ phần Nông sản Tân Lâm.
Theo đó, các hộ dân kiến nghị việc Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm không chấp hành đúng Nghị định số 170/NĐ-CP ngày 22/9/2004; đem vườn cây Cà phê của người nhận khoán trắng cầm cố tại Ngân hảng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Cam Lộ để vay 202.500.000đ/ha cà phê mà vốn trồng Cà phê 100% của người lao động nhận khoán; Việc đưa 200 ha cao su của Công ty quản lý vào cổ phần hóa tại thời điểm năm 2001.
Qua lắng nghe ý kiến trao đổi của các Sở, ngành, Tổng Công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) và phản hồi của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh: Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm là đơn vị có lịch sử hình thành và phát triển lâu năm, do đó, UBND tỉnh rất quan tâm và đã có nhiều buổi làm việc, trao đổi với với các Bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đúng quy định.
Đối với các kiến nghị của bà con, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng cho biết:
Việc đưa 200 ha cao su vào cổ phần hóa: tại thời điểm 2001, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND huyện Cam Lộ và Công ty Cao su Quảng Trị nhận quản lý diện tích cao su trên nhưng không có đơn vị nào đồng ý và UBND tỉnh phải đưa vào cổ phần hóa nhưng vẫn đảm bảo nguyên giá trị tài sản.
Về vấn đề thế chấp vườn cà phê Hướng Hóa, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm. Vườn cây đã khoán trắng cho các hộ dân, phải hỏi ý kiến của người nhận khoán trước khi thế chấp ngân hàng. Riêng đối với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ, sau quá trình điều tra, nếu phát hiện có vi phạm trong định giá tài sản, cho vay quá mức tài sản thế chấp dẫn đến hậu quả thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm theo Luật Tín dụng.
Trong việc thực hiện Nghị định 170/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ, Ban Lãnh đạo Công ty đã không nghiên cứu kỹ và phổ biến cụ thể đến từng người dân, dẫn đến những thiếu sót trong quá trình triển khai. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành rà soát lại và có giải đáp cụ thể cho bà con.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Dũng cũng thông báo cho các hộ dân về phương án mà Tổng Công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) đề xuất là bán vườn cao su và cà phê cho nhà đầu tư quan tâm và có tiềm lực. Tuy nhiên, UBND tỉnh với quan điểm các phương án đưa ra để tái cơ cấu Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm cần phải đảm bảo đúng luật định và đảm bảo đời sống cho người lao động; hoặc phương án phá sản cũng phải đảm bảo các điều kiện trên. Đồng thời, đề nghị SCIC kiểm tra, rà soát lại đại hội đồng cổ đông mà theo như các hộ dân khiếu kiện là không được tổ chức đúng quy định.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ của người dân và tiếp tục tiếp thu ý kiến của các hộ dân để giải quyết vấn đề một cách triệt để, hợp tình, hợp lý.
quangtri.gov.vn