Quốc hội Việt Nam - 70 năm hình thành và phát triển

Thứ hai - 22/02/2016 21:00 155 0
* PHẠM ĐỨC CHÂU, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

* PHẠM ĐỨC CHÂU, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Giữa tháng 8/1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Ngay sau đó, vào chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào) để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về nhân dân.

17/8/1945, Đại hội bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục. Quốc dân Đại hội Tân Trào là một đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam; là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đại hội đại biểu quốc dân, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy với ý chí dù có hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho được chính quyền tron gtoàn quốc.

Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8/1945), Huế (ngày 23/8/1945), Sài Gòn (ngày 25/8/1945). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời .

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6/1/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khoá I.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu cơ quan đại diện dân cử đầu tiên của nước Việt Nam mới đã thắng lợi tại tất cả 71 tỉnh, thành phố trong cả nước, với số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII giám sát dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ sông Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong - Ảnh: P.V

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất.

Trong quá trình 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa hoạt động, thông qua 5 bản Hiến pháp. Căn cứ vào từng thời kỳ tương ứng với việc ra đời của các bản Hiến pháp, có thể phân chia quá trình phát triển của Quốc hội nước ta thành các thời kỳ như sau:

- Thời kỳ 1946 - 1960

Trong thời kỳ này, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc .

Tại kỳ họp thứ hai tổ chức từ ngày 28/10 đến 9/11/1946, Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp 1946, với 240/242 đại biểu biểu quyết tán thành. Hiến pháp khẳng định nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Trong giai đoạn từ 1954 đến 1960, theo Hiệp định Giơ -ne-vơ, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền Bắc - Nam. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã cùng với nhân dân đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Miền Bắc sau khi giải phóng đã bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn mới của cách mạng, Quốc hội ta cần sửa đổi bản Hiến pháp năm 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Ngày 31/12/1959, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 1959.

- Thời kỳ 1960 - 1980

Trong thời kỳ này, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960. Đây là thời kỳ Quốc hội hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.

- Quốc hội khóa II (1960 - 1964) được bầu ngày 8/5/1960; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I. Nhiệm kỳ Quốc hội là 4 năm.

- Quốc hội khóa III (1964 - 1971) được bầu ngày 26/4/1964; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 87 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm. Quốc hội khóa III hoạt động trong thời chiến, nên nhiệm kỳ của Quốc hội kéo dài trong 7 năm, với 7 kỳ họp.

- Quốc hội khóa IV (1971 - 1975) được bầu ngày 11/4/1971; tổng số có 420 đại biểu. Trong 4 năm hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đàm phán và ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973); góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.

- Quốc hội khóa V (1975 - 1976) được bầu ngày 6/4/1975; tổng số có 424 đại biểu. Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa mới hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) và hoạt động chưa đầy một năm nhưng đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước .

- Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) được bầu ngày 25/4/1976, là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội.

- Thời kỳ 1980 - 1992

Trong thời kỳ này, Quốc hội trải qua 2 khóa hoạt động:

- Quốc hội khóa VII (1981 - 1987) được bầu ngày 26/4/1981; tổng số có 496 đại biểu.

- Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992) được bầu ngày 19/4/1987; tổng số có 496 đại biểu. Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra .

- Thời kỳ 1992 đến nay

Trong thời kỳ này, Quốc hội trải qua 5 khóa hoạt động:

- Quốc hội khóa IX (1992 - 1997) được bầu ngày 19/7/1992; tổng số có 395 đại biểu. Quốc hội khóa IX là nhiệm kỳ Quốc hội hoạt động theo quy định của Hiến pháp 1992, trong đó Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội lần thứ VII của Đảng đề ra.

- Quốc hội khóa X (1997 - 2002) được bầu ngày 20/7/1997; tổng số có 450 đại biểu. Điểm nổi bật là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng .

- Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) được bầu ngày 19/5/2002; tổng số có 498 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Có 120 đại biểu (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội) hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở 64 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Quốc hội khóa XII (2007 - 2011) được bầu ngày 20/5/2007; tổng số có 493 đại biểu. So với nhiệm kỳ trước, số lượng các ủy ban của Quốc hội khóa XII tăng lên thành 9 ủy ban với việc Quốc hội thành lập mới Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tài chính và ngân sách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được tăng cường với 145 đại biểu, chiếm 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) được bầu ngày 22/5/2011. Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội. Thành tựu lớn nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp năm 2013.

Ôn lại truyền thống 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, chúng ta càng thêm tự hào bởi trong những thành tích chung của Quốc hội cả nước có phần đóng góp công sức của các đại biểu Quốc hội được bầu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cùng với sự lớn mạnh của Quốc hội cả nước, hoạt động của các đại biểu Quốc hội được bầu cử trên địa bàn Quảng Trị cũng đã trải qua những chặng đường hết sức vẻ vang.

Tại thời điểm chúng ta long trọng kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I cũng là lúc Quốc hội khoá XIII sắp kết thúc nhiệm kỳ hoạt động. Trong hơn 4 năm qua, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII của tỉnh giành được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần vào thành tựu chung của Quốc hội cả nước.

Về công tác tham gia xây dựng pháp luật, từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII đã thông qua 100 dự án Luật và Hiến Pháp năm 2013.

Thực hiện công tác xây dựng luật trong nhiệm kỳ, theo kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trước các kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 18 hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyển công văn đến 26 cơ quan, cá nhân để lấy ý kiến góp ý bằng văn bản tham gia góp ý kiến cho 70 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp, đạt tỷ lệ khoảng 70% so với toàn bộ dự án luật thông qua trong nhiệm kỳ .

Về hoạt động giám sát, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chủ yếu trong khoảng thời gian 4 năm (từ 2012 đến 2015), Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành 28 cuộc giám sát việc chấp hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực. Bình quân mỗi năm Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành khoảng 7 cuộc giám sát. Có thể nói đây là mảng hoạt động có hiệu quả của Đoàn đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ qua.

Qua hoạt động giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội đã ban hành nhiều kiến nghị đối với các cơ quan của tỉnh để khắc phục những thiếu sót trong việc chấp hành các quy định của chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực; kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về những bất cập trong các Luật, Nghị định, thông tư do các cơ quan Trung ương ban hành; đồng thời góp phần cùng các cơ quan của tỉnh giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được.

Về công tác tiếp dân và tiếp nhận, chuyển và đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia với lãnh đạo tỉnh tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong 4 năm, từ 2012 đến 2015, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 205 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận 215 đơn thư; chuyển 155 đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được 102 văn bản trả lời của các cơ quan.

Qua công tác tiếp công dân và tiếp nhận đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, tổng hợp chuyển một số đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết và tổ chức các cuộc giám sát việc giải quyết khiếu nại của công dân. Nhìn chung, khi nhận được đơn của công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến, các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý, giải quyết, trả lời cho công dân và thông báo cho Đoàn đại biểu Quốc hội biết kết quả.

Về công tác tiếp xúc cử tri, trong 10 kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay (trừ trước kỳ họp thứ nhất không tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT), Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức TXCT được 302 điểm, với gần 40.000 cử tri tham dự, tiếp nhận trên 300 ý kiến của cử tri.

Trong nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội đã quan tâm tổ chức cho các đại biểu về tiếp xúc với cử tri ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo của tỉnh như xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh), xã Hướng Lập, Hướng Việt, Ba Tầng (huyện Hướng Hoá), xã Ba Nang, A Vao (huyện Đakrông) và 2 lần đến TXCT tại huyện đảo Cồn Cỏ.

Ngoài TXCT với các đối tượng cử tri trong tỉnh, thực hiện hướng dẫn tại NQLT 525, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức TXCT ngoài địa phương nơi ứng cử tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có nhiều bà con quê Quảng Trị vào làm ăn sinh sống. Đây là hình thức TXCT được bà con Quảng Trị ở thị trấn Ngãi Giao rất hoan nghênh vì là lần đầu tiên họ được gặp gỡ, đối thoại với các đại biểu Quốc hội của tỉnh nhà để nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.

Hoạt động của đại biểu tại các kỳ họp của Quốc hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội của Đoàn đã tham dự đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội, tích cực tham gia phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường.

Tính đến cuối kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 151 lượt phát biểu thảo luận tại tổ; 68 lượt phát biểu tại phiên toàn thể hội trường; 28 ý kiến chất vấn Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Về các hoạt động khác, Đoàn đã trích kinh phí hoạt động hàng trăm triệu đồng tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách nhân ngày 27/7 hàng năm; thăm hỏi, chúc tết, tặng quà các đối tượng là hộ nghèo; thăm hỏi và tặng quà các đại biểu Quốc hội khoá trước nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc; thăm tặng quà Trường trẻ em khuyết tật nhân ngày 18/4; thăm các cháu Trường trẻ em khuyết tật, Trung tâm mái ấm tình hồng và Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh nhân Tết Trung thu; thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay nhân ngày Biên phòng toàn dân 3/3; ủng hộ Chương trình “Tiếp sức đến trường” do Hội Khuyến học chủ trì tổ chức, Chương trình “Nối vòng tay nhân ái” do UBND tỉnh phát động.

Có được kết quả như trên, ngoài sự cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao của từng đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thường xuyên nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; sự lãnh đạo và phối hợp của Ban Thường vụ cấp ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể các cấp; sự giám sát của toàn thể cử tri và các cơ quan thông tấn, báo chí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho Đoàn đại biểu Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ và mong rằng, sự phối hợp, giúp đỡ đó ngày càng có hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.

Trong những tháng còn lại của khóa XIII, các đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nỗ lực phấn đấu làm tròn trọng trách của người đại biểu nhân dân, tập trung trí tuệ góp phần cùng quân và dân cả tỉnh thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân trong và ngoài nước, Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập241
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm215
  • Hôm nay14,837
  • Tháng hiện tại307,256
  • Tổng lượt truy cập2,185,634
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây