Xét về lý luận và thực tiễn, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Muốn HĐND hoạt động hiệu quả, thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là nơi bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đòi hỏi hoạt động của người đại biểu phải luôn đổi mới, mà trước hết phải đổi mới từ nhận thức.
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 17- HĐND tỉnh khóa VI- Ảnh: TD
Qua thực tiễn hoạt động, nhiều đại biểu HĐND đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới của cơ quan dân cử và kỳ vọng của cử tri. Đa số đại biểu HĐND tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào công tác quản lý nhà nước; tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của HĐND, tham gia thảo luận, biểu quyết trên tinh thần dân chủ, xây dựng đối với các nội dung được trình tại kỳ họp HĐND; liên hệ chặt chẽ với cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri. Qua tiếp xúc cử tri và thực tiễn hoạt động, nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề mang tính nổi cộm, bức xúc ở địa phương, từ đó có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND để tổ chức các đoàn giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục. Nhiều vấn đề đã được đại biểu chất vấn và tái chất vấn đến cùng tại kỳ họp đã thể hiện bản lĩnh, tâm huyết của đại biểu trong hoạt động dân cử. Cử tri ngày càng tin tưởng vào HĐND bởi các đại biểu dân cử đã nói lên tiếng nói của người dân, lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở ban hành các quyết sách đúng, có tính khả thi cao.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, một số đại biểu HĐND kiêm nhiệm, đại biểu không phải là thành viên các Ban của HĐND thường ít tham gia vào hoạt động của Thường trực và các Ban của HĐND, ít tham gia thảo luận, đóng góp tại diễn đàn kỳ họp, hoặc có tham gia đóng góp nhưng chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do nắm thông tin không đầy đủ, kịp thời; do tính chất kiêm nhiệm của phần lớn đại biểu HĐND nên thời gian, công sức dành cho hoạt động của cơ quan dân cử còn hạn chế, các đại biểu cũng không có nhiều điều kiện và thời gian tiếp cận với các nguồn thông tin cần thiết để phục vụ hoạt động. Chưa có quy định cụ thể đại biểu HĐND phải dành bao nhiêu thời gian trong tháng, quý cho hoạt động đại biểu dân cử; không quy định các tiêu chí để nhận xét, đánh giá hoạt động của đại biểu HĐND…
Để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đòi hỏi mỗi đại biểu HĐND phải xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”. Đại biểu HĐND phải đứng trên lập trường của dân, thay mặt nhân dân để tham gia vào cơ quan nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Để làm được điều đó, đại biểu HĐND phải luôn sâu sát, gần gũi dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để phản ánh khách quan, trung thực cho HĐND. Bên cạnh trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, đòi hỏi mỗi đại biểu phải không ngừng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trau dồi kiến thức, kỹ năng hoạt động để thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm của mình. Hiệu quả hoạt động của HĐND được đảm bảo bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, cho nên đại biểu HĐND phải chủ động nghiên cứu tài liệu, thể hiện đầy đủ trách nhiệm và bản lĩnh của mình trong hoạt động chất vấn; tích cực tham gia thảo luận, tranh luận tại diễn đàn kỳ họp để làm sáng tỏ các vấn đề; cùng HĐND bàn bạc và đi đến quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của đại biểu HĐND trong việc thực thi nhiệm vụ, nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của đại biểu, cấp ủy cần tập trung lãnh đạo việc quy hoạch những người sẽ ứng cử vào HĐND, nhất là việc quy hoạch các đại biểu chuyên trách. Cần cân nhắc làm thế nào để vừa bảo đảm tính cơ cấu, vừa bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức, năng lực của đại biểu; không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực. Chỉ có những đại biểu tâm huyết, có trình độ, am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực kinh tế - xã hội thì mới có những ý kiến đóng góp thiết thực, làm cho các quyết định của HĐND có chất lượng, đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND phải có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và trình độ về lý luận chính trị; có khả năng phân tích chính sách, thu thập và xử lý thông tin; có khả năng thuyết phục và tạo sự đồng thuận của xã hội theo phương thức hoạt động của cơ quan dân cử; ngoài ra phải có kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động HĐND.
Ngoài ra, cần quy định chặt chẽ cơ chế giám sát để tập thể HĐND và cử tri giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu HĐND nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu trước cử tri. Quy định cụ thể thời gian đại biểu HĐND phải dành cho hoạt động dân cử trong từng tháng hoặc quý; quy định chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét đánh giá hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Hàng năm, mỗi đại biểu HĐND phải xây dựng chương trình công tác, đăng ký với Thường trực HĐND và báo cáo kết quả thực hiện với cử tri nơi mình được bầu. Có chế độ cung cấp thông tin, tài liệu, nhất là các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các văn bản pháp luật mới được ban hành, các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cho đại biểu HĐND. Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu bằng nhiều hình thức; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để các đại biểu thực hiện tốt vai trò là đại biểu của nhân dân.
baoquangtri.vn