Số liệu thống kê của Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về phòng chống HIV cho biết, từ khi xuất hiện vào năm 1981, đến nay HIV đã làm khoảng 40 triệu người tử vong và tổng số người nhiễm HIV còn sống trên toàn cầu đến cuối năm 2014 là 35 triệu người. Trong tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch HIV/AIDS chuyển dịch hình thái từ lây truyền qua đường máu sang lây truyền qua đường tình dục và thế giới vẫn chưa có vaccine dự phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu HIV/AIDS như hiện nay thì truyền thông thay đổi hành vi vẫn được coi là cách phòng tránh HIV/AIDS hữu hiệu...
Tìm hiểu thông tin về phòng chống HIV/AIDS
Các phát biểu của giới chuyên môn nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Cục Phòng chống HIV/AIDS (2005-2015) đều đánh giá cao sự đổi mới trong truyền thông phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong thời gian qua. Đó là, kể từ khi Cục Phòng chống HIV/AIDS chính thức đi vào hoạt động vào tháng 5/2005, các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS được triển khai ngày càng phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức.
Theo thạc sĩ Đỗ Hữu Thủy, Trưởng Phòng Truyền thông và huy động cộng đồng, Cục Phòng chống HIV/AIDS thì sự thay đổi về truyền thông phòng chống HIV/AIDS đã được hệ thống y tế trong cả nước thực hiện từ tư duy truyền thông đến nội dung truyền thông, chủ thể truyền thông và phương pháp truyền thông.
Về tư duy, truyền thông phòng chống HIV/AIDS đã chuyển từ những thông điệp truyền thông mang tính hù dọa, tiêu cực sang truyền thông giải thích dựa trên cơ sở khoa học về HIV/AIDS và thực tiễn với việc thay thế những thông tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV bằng những thông tin, hình ảnh tích cực.
Về nội dung, các chương trình truyền thông đã không còn nhấn mạnh đường lây truyền của HIV mà chú ý giúp mọi người hiểu về các đường không làm lây truyền HIV.
Đặc biệt, các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS đã chuyển từ việc coi người nhiễm HIV và gia đình của họ là đối tượng của truyền thông sang coi họ là chủ thể của truyền thông phòng chống HIV/AIDS và chương trình cũng đã vừa phát huy hiệu quả của phương pháp truyền thông truyền thống như truyền thông qua các kênh trực tiếp và đại chúng vừa mở rộng, tăng cường truyền thông qua các trang tin điện tử, báo điện tử, mạng xã hội như website, fanpage, mạng di động.
Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông đã huy động được sự tham gia ngày càng nhiều của các vị lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các chiến dịch, sự kiện truyền thông nhân Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS hàng năm,...
Những đánh giá chuyên môn cho thấy, những thay đổi trong truyền thông phòng chống HIV/AIDS đã tích cực giúp nhiều người không còn lo sợ bị lây nhiễm HIV khi tiếp xúc thông thường như sinh hoạt chung, làm việc chung, học tập chung, ăn uống chung, sử dụng chung các công trình công cộng với người nhiễm HIV.
Nhờ truyền thông về các đường lây truyền của HIV song song với nhấn mạnh về các đường không làm lây truyền HIV, mọi người đã có cách nhìn toàn diện hơn với dịch HIV từ đó góp phần làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Trở thành một bộ phận trong mạng lưới truyền thông viên, những tuyên truyền viên đồng đẳng là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm hay người có quan hệ tình dục đồng giới đã từ bỏ ma túy, mại dâm hoặc áp dụng các hành vi an toàn và cùng các cán bộ y tế, cộng tác viên dân số, cán bộ phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… tiếp cận, truyền thông và cung cấp dịch vụ với những người cùng cảnh ngộ.
Qua các kênh và chủ thể truyền thông, các nội dung phổ biến và giáo dục pháp luật về HIV/AIDS, việc quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS được tăng cường giúp số người có thêm hiểu biết về phòng chống HIV/AIDS ngày càng tăng, nhiều người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV.
Riêng mạng lưới người nhiễm HIV tham gia phòng chống HIV/AIDS thường xuyên truyền thông về phòng chống HIV/AIDS không chỉ với người nhiễm mà cả với người dân bình thường đã giúp nhiều người hiểu hơn về HIV/AIDS đồng thời cũng là những người có thể chăm sóc, hỗ trợ những người nhiễm HIV cùng cảnh ngộ rất hiệu quả.
Chính sự tham gia, đóng góp của người nhiễm HIV đã hỗ trợ chương trình phòng chống HIV/AIDS và tích cực cải thiện hình ảnh của người có hành vi nguy cơ cao cũng như người nhiễm HIV, đưa họ từ đối tượng thụ động, đối tượng của truyền thông sang là đối tượng chủ động, chủ thể truyền thông, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng và góp phần làm giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Người dân có hiểu biết đúng về đường lây truyền và các biện pháp phòng tránh HIV/AIDS; giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; giúp người nhiễm HIV vượt qua hố sâu ngăn cách, tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, được yêu thương và hòa nhập cộng đồng, sống có ích với xã hội,…
Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đã tích cực góp phần vào thực tế tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam trong 7 năm qua đã liên tiếp giảm số người nhiễm HIV mới hàng năm, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Với kết quả này, Việt Nam đã giữ vững mục tiêu “khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%” như đã đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
baoquangtri.vn