Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đã quyết định đưa giống cây mới vào sản xuất và đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, gia đình anh Hồ Thiện Nhân và chị Hồ Thị Hoài Nhân ở thôn Của là điển hình khi quyết định phá bỏ diện tích cà phê già cỗi sang trồng cam Vinh, bước đầu mang lại nguồn thu nhập khá.
Mô hình trồng cam của gia đình anh chị Thiện Nhân và Hoài Nhân phát triển tốt, cho thu nhập khá - Ảnh: K.S |
Được sự hỗ trợ của Dự án Khuyến nông Trung ương, thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2018, vợ chồng anh chị Thiện Nhân và Hoài Nhân đã bàn bạc với gia đình bố mẹ chuyển đổi 2 ha cà phê liền kề đã già cỗi của hai gia đình để xây dựng mô hình “Trồng thâm canh cam đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Quá trình thực hiện mô hình, Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ từ khâu lấy mẫu đất, nguồn nước để phân tích, nghiên cứu, định hướng cho gia đình quy hoạch vườn nhà, triển khai tốt khâu làm đất. Đồng thời, dự án hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón năm đầu tiên, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như thu hái.
Trên diện tích 2 ha, gia đình anh chị trồng trên 500 gốc cam Vinh với phương thức canh tác hữu cơ, không phun hóa chất, không bón nhiều phân mà chủ yếu giữ chất dinh dưỡng cho cây bằng phương pháp cân bằng sinh học. Vườn để nguyên cỏ, chỉ cắt bớt khi cỏ lên quá cao nhằm cân bằng sinh học trong đất. Không dùng hóa chất làm chết vi khuẩn có lợi, mất khoáng chất cần thiết trong đất. Để tiết kiệm công tưới nước và đảm bảo cây được cung cấp nước đều, gia đình anh chị đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt.
Ngoài ra, còn trồng xen cam với hơn 200 gốc chuối, vú sữa, bưởi nhằm cân bằng hệ sinh thái. Nhờ khí hậu và chất đất phù hợp cùng với chủ mô hình tìm hiểu và thực hành tốt kiến thức khoa học kỹ thuật, tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, sau hơn 3 năm xuống giống, vườn cam của gia đình anh chị đã cho thu hoạch bói, quả to, mọng nước, ngọt thanh, quả khá nhiều. Bình quân mỗi gốc cam cho thu hoạch từ 15 - 20 kg trái. Sản phẩm chủ yếu được bán ngay tại vườn nhà và qua facebook, zalo, giá bán lẻ 25 nghìn đồng/kg. Biết được đây là nguồn trái cây sạch nên nhiều khách hàng trong xã, huyện đặt mua.
Ở huyện miền núi Hướng Hóa có những mô hình cây ăn quả được trồng bài bản, theo hướng hữu cơ như mô hình cam Vinh của gia đình anh chị Thiện Nhân và Hoài Nhân thật đáng quý và cần được nhân rộng.
Anh Thiện Nhân cho biết: “Do đặc thù công việc cả hai vợ chồng đều là giáo viên, không có nhiều thời gian nhàn rỗi, bố mẹ lại cao tuổi nên không thể làm các mô hình cây trồng khác. Chỉ có trồng cây ăn quả thì mọi thành viên trong nhà mới có thể tranh thủ sắp xếp công việc, thay nhau chăm sóc được.
Đây là năm đầu tiên cam cho quả bói nhưng khá sai quả và chất lượng tốt, bước đầu được thị trường trong huyện đón nhận. So với cà phê thì mô hình cam Vinh hữu cơ của gia đình tôi cho thu nhập cao và ổn định hơn, bên cạnh đó, ít đòi hỏi công chăm bón cũng như phân bón.
Đối với gia đình tôi, vườn cam không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà đây còn là nơi giải trí, cùng nhau tăng gia sản xuất, có thêm thu nhập sau giờ làm việc, đem lại sản phẩm an toàn cho gia đình cũng như xã hội. Gia đình tôi sẽ tiếp tục chăm sóc, duy trì mô hình, đồng thời tiến hành xen canh một số loại cây ăn quả khác, đảm bảo mùa nào cũng có sản phẩm sạch bán ra thị trường”./.
Kăn Sương