Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa đã lựa chọn giống bơ trái vụ để trồng vừa phục vụ gia đình vừa xuất bán tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Bơ là loại cây dễ trồng, quả giàu chất dinh dưỡng lại phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Việc nhân rộng mô hình trồng bơ trái vụ ở Tân Liên đã góp phần làm đa dạng hóa cây ăn quả ở huyện miền núi.
Trồng bơ trái vụ mang lại thu nhập khá cao cho nông dân ở Tân Liên, Hướng Hóa |
Gia đình anh Hồ Văn Quý ở thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên là một trong những hộ đầu tiên trồng bơ trái vụ ở địa phương. 7 năm trước, nhận thấy trên thị trường rất ưa chuộng loại bơ booth 7 nên anh Quý tìm hiểu thêm qua sách báo, ti vi, mạng internet và quyết định đầu tư trồng 300 gốc loại cây này trên diện tích 5.000 m2. Quá trình trồng, anh chăm sóc cây theo đúng quy trình kĩ thuật nên bơ booth 7 trong vườn nhà anh phát triển tốt. Đến thời điểm này, tuy mới bước vào đầu vụ nhưng vườn bơ của gia đình anh Quý đã được các đại lí lớn trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng. Trung bình 1 kg bơ trái vụ, gia đình anh bán với giá từ 45 - 55 nghìn đồng, ước tính sau vụ thu hoạch này vườn bơ của anh sẽ cho thu hoạch gần 2 tấn mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài trồng bơ trái vụ, anh Quý còn trồng thêm các loại bơ hạt, bơ 034…
Anh Quý chia sẻ: “Chúng tôi mua giống bơ booth 7 từ Tây Nguyên về. Đây là loại cây dễ trồng, thích hợp với đất đỏ ba dan, ít bị sâu bệnh, không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây. Bước đầu cây bơ booth 7 tại vườn nhà tôi phát triển tốt. Bơ booth 7 bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 10 - 12 hằng năm. Ưu điểm của bơ booth 7 là quả to và đều, trung bình khoảng 2 - 3 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt, bơ booth 7 có thời gian thu hoạch muộn hơn giống bơ thuần, giúp người trồng có thể làm nhiều vụ mùa khác nhau. Nhờ trồng bơ trái vụ, gia đình tôi có nguồn thu nhập khá hơn trồng các loại cây khác”.
Bơ booth 7 là giống cây trồng nhập ngoại. Loại cây này rất dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc, kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất, chất lượng cao. Cây trồng sau 3 - 4 năm cho thu hoạch, bình quân mỗi cây có thể cho từ 200 - 300 kg quả/năm. Đặc biệt, trồng bơ trái vụ thu nhập cao gấp 2 - 3 lần bơ chính vụ. Với lợi thế đó, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Tân Liên trồng xen canh hoặc chuyển đổi một phần diện tích tiêu, cà phê già cỗi, kém hiệu quả để đầu tư trồng bơ booh 7. Hiện toàn xã Tân Liên có hơn 10 hộ nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi diện tích một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng bơ booth 7, hộ trồng nhiều thì vài trăm gốc, hộ ít vài chục gốc. Hiện nay, đang vào vụ bơ trái vụ, thương lái đến tận vườn thu mua nên người trồng bơ ở Tân Liên không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Nhờ trồng bơ booth 7 người dân trong xã có thêm nguồn thu nhập khá.
Mô hình trồng bơ trái vụ đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững của nông dân xã Tân Liên nói riêng, huyện Huyện Hướng Hóa nói chung. Ông Lê Quang Đãi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Liên cho biết: “Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã đổi mới tư duy, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt trong đó, mô hình trồng bơ trái vụ bước đầu đem lại thu nhập, làm phong phú các loại cây trồng ở địa phương. Tuy nhiên, Hội Nông dân xã cũng khuyến cáo người dân cần có kế hoạch chuyển đổi cây trồng hợp lí, không vì lợi nhuận trước mắt mà trồng bơ trái vụ ồ ạt, nên xen canh cây bơ với các loại cây trồng khác nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tránh nguy cơ thua lỗ trong trường hợp độc canh cây trồng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kĩ thuật trồng, chăm sóc cây bơ trái vụ cho nông dân; tạo điều kiện để nông dân vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
baoquangtri.vn