Đó là anh Trần Ký ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Năm 2009, anh bắt đầu thực hiện mô hình nuôi tôm tại xã Triệu Lăng và đã mang lại thành công khá lớn.
Anh Trần Ký đang lập kế hoạch nuôi tôm cho vụ mùa tôm đến
Được Hội ND xã và Hội ND huyện tạo điều kiện, tín chấp với ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng cùng với vốn tích lũy và vay mượn thêm trên 200 triệu đồng, anh đầu tư 2 hồ tôm với tổng diện tích 1 ha. Được tham gia hơn 10 lớp tập huấn do Hội ND xã và Hội ND, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư huyện tổ chức, anh đã áp dụng hiệu quả vào mô hình của gia đình. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm doanh thu đạt trên 300 triệu đồng, trừ chi phí anh lãi từ 100 -150 triệu đồng.
Anh Ký chia sẻ: Nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu là hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh theo quy trình kỹ thuật. Đối với tôm thẻ chân trắng, trong quá trình nuôi phần lớn sử dụng các loại men vi sinh, vôi, khoáng chất để quản lý môi trường ao, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh và phòng bệnh để tạo nên môi trường ổn định, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm, môi trường; đồng thời chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng từ các Công ty sản xuất giống.
Mô hình này, giai đoạn 1 ương tôm trước khi thả, giai đoạn 2 tôm sau 30 ngày tuổi đạt kích cỡ từ 700 - 800 con/kg sẽ san qua ao nuôi bằng phương pháp xả ống. Lúc này, tôm đã vượt qua giai đoạn thường mắc các bệnh nguy hiểm do đã có sức đề kháng cao nên phát triển tốt. Sau 2 - 2,5 tháng nuôi tại ao nuôi, tôm đạt trọng lượng 50- 60 con/kg sẽ xuất bán ra thị trường.
Không những chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình nuôi tôm, anh Ký còn tích cực giúp đỡ bà con trong những lúc khó khăn, hoạn nạn; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm giúp bà con cùng đầu tư xây dựng mô hình, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu.
Phương Thiện (Theo hoinongdan.org.vn)