Hiện nay, toàn huyện Hải Lăng trồng hơn 70ha sen, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Trong đó, Hải Sơn là một trong những xã có diện tích trồng sen lớn nhất của huyện, mỗi vụ trồng với hơn 20 ha. Để phát triển tốt mô hình này, Hội Nông dân xã đã tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương thành lập Tổ hợp tác trồng sen ở thôn Lương Điền với 25 hộ tham gia.
Cơ sở sơ chế sen hạt của ông Nguyễn Quảng thôn Lương Điền
Trước đây chỉ có một số hộ nông dân như hộ ông Nguyễn Văn An, Nguyễn Tỵ, Nguyễn Hữu Quyền, Nguyễn Quảng tại thôn Lương Điền là những người đầu tiên đã mạnh dạn thuê lại một số diện tích (khoảng 7,5ha) ở các bàu, hồ đập, các vùng đất trũng, hoang hóa, chua phèn không thể sản xuất lúa hoặc sản xuất kém hiệu quả của HTX sang trồng sen và thu cá tự nhiên. Sau nhiều năm sản xuất thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, cao gấp 4,5 lần so với trồng lúa và nhiều lần so với cây trồng khác. Năng suất bình quân khoảng 2,5 - 2,7 tấn/ha trồng từ ruộng lúa, ở những vùng đầm tự nhiên cho năng suất đến 3tấn/ha; với giá cả trung bình khoảng 50.000đ/kg thì ước tính một ha trồng sen lãi ròng trên 90 triệu đồng/năm, chưa kể nguồn thu từ cá và bán sen giống. Đến nay, tổng diện tích sen của thôn Lương Điền là 15ha.
Anh Lê Văn Phước – Giám đốc Hợp tác xã Lương Điền chia sẻ: Sen là loài cây có tiềm năng, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật trồng và chăm sóc không quá phức tạp... nên đã phối hợp với Hội Nông dân xã tuyên truyền vận động nông dân nhân rộng sản xuất. Đầu năm 2018, HTX đã quy hoạch các vùng ruộng bấp bênh, thấp trũng khó tiêu nước, sản xuất lúa kém hiệu quả... sang trồng sen; hỗ trợ các máy san lấp, đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước, giúp đỡ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vận động các thành viên dồn điền đổi thửa, hoán đổi ruộng cho nhau góp phần tích tụ ruộng đất, hạn chế sản xuất manh mún...
Sau hơn một năm thành lập, Tổ hợp tác đi vào hoạt động tốt và có hiệu quả: Các thành viên trong Tổ có cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm cho nhau, thực hiện chung các quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa, tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, gia công... giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế được rủi ro. Thời gian tới, Tổ hợp tác chú trọng đến công nghệ chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị của sen như thành lập tổ gia công hạt sen tươi thành các sản phẩm khác như sen bóc vỏ, sen sấy khô, tim sen… Đồng thời xây dựng thương hiệu sen Lương Điền.
Ghé thăm cơ sở sơ chế sen của anh Nguyễn Quảng ở thôn Lương Điền (Hải Sơn), một trong những thành viên của Tổ hợp tác trồng sen. Năm nay, anh trồng sen trên diện tích 1,5ha thu gần 4,5 tấn hạt, sen được giá, ngay từ đầu vụ đến cuối vụ sen chưa gia công bán giá 50.000đ-70.000đ/kg, sen đã bóc tách bán với giá 130.000 -150.000đồng/kg, tim sen bán giá 300.000đ/kg. Ngoài bán sen hạt, anh thuê thêm 25 lao động/ngày để tách bóc sen hạt, xoi tim sen. Mỗi vụ sen, lao động làm liên tục trong 2 tháng, với ngày công 150.000 – 180.000đ/ngày, tùy số lượng sen bóc tách được, cơ sở của anh đã góp phần giải quyết việc làm cho các lao động là học sinh nghỉ hè, người lớn tuổi không có việc làm ổn định. Anh đã liên kết với các hộ trong Tổ hợp tác để tiêu thụ sen cho các thương lái ở Huế, các tỉnh phía Bắc, vừa xuất được lượng lớn vừa không bị ép giá. Vụ sen này sau khi trừ chi phí anh thu được 130 triệu đồng, cao hơn 40 triệu đồng so với năm 2018.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Thị Diệu Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn cho biết: “Thực hiện chủ trương của huyện, xã đã vận động người dân tích cực khai hoang, chuyển đổi các vùng đất thấp trũng sang trồng sen hay kết hợp mô hình sen- cá. Ngoài lợi nhuận từ sen, người trồng sen còn có thu nhập một khoản lớn từ cá tự nhiên sinh trưởng trong đầm sen. Trồng sen không chỉ giúp nhiều gia đình thoát nghèo mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động nhàn rỗi vùng nông thôn. Kế hoạch năm 2020, sẽ mở rộng diện tích 10ha vùng thấp trũng để trồng sen và tiến hành các bước nâng cao giá trị của hạt sen”.
Thời gian tới, để nhân rộng mô hình này, Hợp tác xã Lương điền tăng cường tạo điều kiện thuận lợi về vốn, tập huấn kỹ thuật cho các thành viên Tổ hợp tác, tiếp tục vận động bà con chuyển đổi một số diện tích đất ruộng sâu sang trồng sen và tham gia Tổ hợp tác. Một thị trường ổn định cho các hộ trồng sen khi sản phẩm sen đã xây dựng được thương hiệu, đăng ký mã vạch chứng nhận sản phẩm, việc liên kết hợp đồng với các siêu thị, Công ty thực phẩm trên địa bàn sẽ không còn xa./.
Trần Thúy