Nhìn lại chặng đường sau hơn 30 năm tái lập lại tỉnh Quảng Trị, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Trước đây chỉ có những chiếc thuyền thúng, thuyền nan công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ thì giờ đây những con tàu công suất lớn, tàu vỏ thép đã dần thay thế, góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn vùng biển.
Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi ra khơi đánh cá
Vừa trở về sau gần nữa tháng đánh bắt ở vùng biển thuộc phía bắc quần đảo Hoàng Sa nhưng ngư dân Hồ Văn Hoàn ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh, chủ con tàu vỏ thép số hiệu QT 90129TS có công suất 829 CV đã vội vã tiếp dầu, chuyển đá cùng thực phẩm để tiếp tục xuất bến. Lý giải sự khẩn trương này, anh Hoàn nói gọn: “Đang chính vụ cá Nam, thời tiết lại thuận lợi nên phải tranh thủ!”. Hóa ra mùa này biển êm nên ngư dân dễ trúng luồng cá lớn, nhất là cá nục, cá bè, cá thu, cá ngừ. Thế nên dù mệt nhoài sau chuyến biển dài ngày, nhưng cả chủ tàu lẫn anh em bạn thuyền đều nhất quyết không chịu nghỉ ngơi mà hối hả lên tàu thẳng hướng ra khơi những mong kiếm thêm nhiều “lộc biển”.
Anh Hoàn là một trong ba anh em ruột ở xã biển Trung Giang này đã tự tích cóp vốn liếng, tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn vay của Nhà nước đóng được 3 con tàu vỏ thép công suất lớn, phối hợp cùng đánh bắt ở ngư trường từ phía Bắc quần đảo Hoàng Sa đến phía Nam đảo Hải Nam bằng nghề lưới vây ánh sáng. Anh Hoàn hồi tưởng, mới đó mà anh đã có gần 30 năm đi biển. Hồi đó, đánh bắt chỉ bằng kinh nghiệm mà cha ông truyền lại, phương tiện khai thác chỉ là chiếc thuyền nan nhỏ nên chỉ dám quanh quẩn gần bờ, chuyến được, chuyến mất. Giờ có con tàu vỏ thép chắc chắn, ngư lưới cụ đầy đủ, lại có máy dò cá, máy thông tin liên lạc tầm xa nên anh em ngư dân chúng tôi rất an tâm khi ra khơi. Mỗi khi nghe dự báo thời tiết xấu, tàu kịp thời di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn nhờ công suất lớn, tốc độ nhanh. Hiệu quả đánh bắt cũng được tăng rõ rệt.
Còn tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong tranh thủ phút nghỉ ngơi khi đang bốc xếp ngư lưới cụ lên thuyền ngư dân Võ Quang Lãnh cho biết: Trước đây, cũng như nhiều ngư dân, anh ra khơi chỉ với chiếc thuyền nan nhỏ bé lắp máy 24 CV, đánh bắt quanh quẩn ở vùng lộng. Rồi tích cóp, vay mượn đóng được chiếc tàu xa bờ 90 CV nhưng phần lớn các chuyến biển cũng chỉ cách bờ từ 80 - 100 hải lí, chỉ có vài chuyến biển ít ỏi vươn đến ngư trường Hoàng Sa, tuy đánh bắt hiệu quả nhưng vẫn không yêu tâm vì độ an toàn thấp. Năm 2017, được sự hỗ trợ theo Nghị định 67 với số tiền gần 1,1 tỉ đồng anh đã nâng cấp, cải hoán tàu lên hơn 400 CV, mua sắm thêm ngư lưới cụ, lắp thêm máy dò ngang để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Theo anh Lãnh, nếu như trước đây mỗi khi gặp thời tiết xấu rất nguy hiểm do tàu có công suất nhỏ, tốc độ chậm. Hải sản vùng gần bờ chủ yếu là cá cơm, cá nục… có giá trị kinh tế thấp. Từ ngày được nâng cấp, hầu hết các chuyến biển của anh đều vươn đến tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với các loại hải sản có giá trị cao như cá thu, cá ngừ… “Tàu có công suất lớn, ngư lưới cụ hiện đại, lại đánh bắt dài ngày nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Từ sau khi nâng cấp đến nay bình quân mỗi chuyến biển sau khi trừ phí tổn và chia cho các bạn thuyền tôi thu lãi từ 30 - 50 triệu đồng. Không chỉ đánh bắt hiệu quả mà còn đảm bảo an toàn cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”, anh Lãnh vui mừng nói.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam thông tin, nếu như năm 1989 toàn tỉnh chỉ có khoảng 1.000 chiếc thuyền đánh cá với tổng công suất 7.400 CV, trong đó có hàng trăm thuyền thủ công không lắp máy ở vùng bãi ngang, hoàn toàn không có tàu cá xa bờ công suất trên 50 CV. Thì đến nay đã có hơn 2.800 chiếc với tổng công suất trên 142.400CV, trong đó có trên 200 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên thường xuyên tham gia khai thác vùng biển xa. Đặc biệt, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP đến nay toàn tỉnh đã đóng mới được 25 tàu cá có công suất lớn trên 400 CV, trong đó có 17 tàu cá vỏ thép, 1 tàu cá vỏ Composite và 7 tàu cá vỏ gỗ; hơn 100 tàu được cải hoán nâng cấp và đưa vào sử dụng cho hiệu quả cao. Ngư lưới cụ từ sử dụng lưới rê, lưới xăm đến nay đã được trang bị đồng bộ như lưới rê hỗn hợp, lưới vây kết hợp ánh sáng, lưới chụp, nghề pha xúc đánh cá cơm; sử dụng máy định vị vệ tinh, máy dò ngang để dò tìm đàn cá, sử dụng máy tời thủy lực để giảm sức lao động, tăng hiệu quả kinh kế; sử dụng các phương pháp bảo quản sản phẩm mới để tăng chất lượng sản phẩm sau thu hoạch; đặc biệt các tàu lưới vây vỏ thép đã sử dụng hầm cấp đông, sử dụng máy thông tin liên lạc để kết nối thông tin từ biển với đất liền thông suốt, tạo khoảng cách giữa biển và đất liền gần hơn. “Nếu như trước đây ngư dân chủ yếu khai thác ven bờ, xa nhất cũng chỉ xung quanh đảo Cồn Cỏ thì hiện nay, ngư dân đã vươn khơi, mở rộng đến các ngư trường Vịnh Bắc Bộ, phía Đông Nam Đà Nẵng và trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Nam chia sẻ.
Trên cơ sở định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới là chuyển đổi mạnh khai thác thuỷ sản ven bờ sang xa bờ, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với Chi cục Thủy sản và các ngành triển khai các chính sách phát triển thủy sản nhằm khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá; đầu tư trang thiết bị ngư lưới cụ, máy thông tin liên lạc, máy dò ngang, ra đa hàng hải, thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Đồng thời duy trì các mô hình “tổ tàu thuyền ngư dân tự quản”, khuyến khích và động viên các tàu tham gia khai thác có hiệu quả trên các vùng biển xa, nhằm góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
An Khang