Không chỉ tận tụy, có trách nhiệm cao với công tác hội, nhiều năm qua, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh, huyện Hướng Hóa Hồ Văn Khưa còn là tấm gương đi đầu về sản xuất kinh doanh giỏi ở xã. Anh đã góp phần thúc đẩy các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước của hội, địa phương phát triển mạnh, được Nhân dân yêu quý và các cấp, các ngành đánh giá cao.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hồ Văn Khưa (bên trái) hướng dẫn nông dân trong xã kỹ thuật trồng trọt - Ảnh: N.T |
Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bao đời chỉ biết sống bám vào nương rẫy vì thế cuộc sống của gia đình anh Khưa và người dân trong vùng rất khó khăn, lạc hậu. Khi đến tuổi trưởng thành, anh Khưa luôn mong muốn góp phần loại bỏ dần thói quen canh tác lạc hậu của người dân địa phương. Do đó, anh vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, vừa nghiên cứu tìm hiểu cách thức phát triển kinh tế để thoát nghèo. Với đức tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất và nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào của thôn, xã, từ năm 2007 – 2016 anh Khưa được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, cán bộ UBMTTQVN xã Thanh và từ năm 2016 đến nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người cán bộ hội nông dân, anh thường xuyên về tận cơ sở tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho hội viên và người dân về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn. Phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ, tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình kinh tế mới phù hợp, hiệu quả với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng Lìa… Nghe lời anh, nhiều nông dân trong xã loại bỏ dần phương thức canh tác phát, đốt, cốt, trỉa, vay vốn mua máy cày cầm tay về làm đất, phân bón, đầu tư xây dựng chuồng trại, cây trồng, vật nuôi phát triển sản xuất. Nhờ đầu tư chăn nuôi, trồng trọt bài bản hơn, nông dân xã Thanh đã khai thác có hiệu quả lợi thế của vùng để phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng gia trại, trang trại tổng hợp có thu nhập cao hơn.
Để hội viên, người dân trong xã nghe, tin và làm theo, anh Khưa đã cùng với gia đình phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Anh bắt tay vào khai hoang, vay vốn xây dựng trang trại tổng hợp, trồng 2 ha sắn KM94 kết hợp chăn nuôi bò nhốt. Sau khi có chủ trương của huyện đưa cây cao su vào trồng thí điểm, anh Khưa xung phong khai hoang trồng trên 2 ha. Nhờ nắm bắt kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, diện tích sắn, cao su, đàn bò của gia đình anh đều phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Riêng mô hình cây cao su của gia đình anh trở thành mô hình điểm để nông dân trong vùng đến học tập kinh nghiệm. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng phù hợp, đầu năm 2021 gia đình anh Khưa tiếp tục đầu tư trồng thêm 5 sào cây cà gai leo, loại cây dược liệu có đầu ra ổn định, cho thu nhập khá. Bình quân mỗi năm, trang trại của gia đình anh cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Qua hiệu quả bước đầu từ mô hình kinh tế của mình, anh Khưa làm cơ sở để truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn, vận động hội viên và người dân học tập, nhân rộng. Anh cũng không ngần ngại cầm tay chỉ việc, hướng dẫn, giúp đỡ bà con từ khâu làm đất đến chăm sóc cây trồng vật nuôi, đặc biệt là đối với cây cao su, một loại cây trồng khá mới mẻ đối với người dân tộc thiểu số. Đồng thời tích cực tìm kiếm nguồn vốn cho hội viên vay để phát triển kinh tế. Tạo điều kiện cho nông dân được tham gia tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm của nông dân. Nhờ vậy, đến nay toàn xã có trên 15 mô hình kinh tế tổng hợp của hội viên nông dân cho thu nhập khá, trong đó 13 hộ tham gia trồng cao su với tổng diện tích 18 ha. Anh Khưa chia sẻ: “Tuyên truyền, vận động không thôi thì không hiệu quả, do đó tôi phải đi trước một bước trong phát triển kinh tế, khi mình làm có kết quả tốt thì nói người dân mới tin và làm theo. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế, mở rộng mô hình trang trại tổng hợp của gia đình. Vận động hội viên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hiện nay, do ảnh hưởng của COVID – 19 nên nông dân rất khó khăn trong sản xuất, đầu ra sản phẩm, trong khi đó lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn cao nên tôi đề nghị với các cấp, các ngành, ngân hàng có giải pháp giảm lãi suất cho vay để nông dân yên tâm lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mới”.
Bên cạnh đó, anh Khưa còn tích cực vận động nông dân tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, hiến đất, góp công, góp sức xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn xã. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa Hồ Văn Toàn cho biết: “Hồ Văn Khưa là một cán bộ hội nông dân gương mẫu, năng nổ, nhiệt tình trong công tác hội, là điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Anh chính là hình mẫu người cán bộ nói được, làm được, qua đó đã góp phần xây dựng hội ngày càng vững mạnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Ngọc Trang (baoquangtri.vn)