Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 8/6, đã có 58 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, số lượng buộc phải tiêu hủy là hơn 2,3 triệu con lợn. Thiệt hại ước tính trên 3.600 tỷ đồng. Thiếu kinh phí chi trả hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và chi phí tiêu thuỷ dịch là khó khăn chung của nhiều địa phương hiện nay.
Lợn chết, người chăn nuôi điêu đứng chờ hỗ trợ
Trước tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi 25.000 đồng một kg lợn hơi với lợn con, lợn thịt các loại (tương đương 66% giá thành), 30.000 đồng một kg lợn hơi với lợn nái, lợn đực đang khai thác (tương đương 79% giá thành).
Tại cuộc họp với Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan cùng các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng- nơi phát dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của cả nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng tình với đề xuất của Bộ NN&PTNT, hỗ trợ vật nuôi tiêu huỷ theo tỷ lệ % giá thành, bổ sung đối tượng hỗ trợ là chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên cơ sở xem xét các yếu tốt tham gia bảo hiểm nông nghiệp (nếu có).
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị tăng hỗ trợ cho người tham gia tiêu hủy phòng chống với mức sàn là 200.000 đồng/người/ngày thường và mức sàn 400.000 đồng/người/ngày nghỉ lễ. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức chi cụ thể, phù hợp với đặc thù tài chính, ngân sách địa phương.
Đồng thời Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng để hỗ trợ dân có lợn bị dịch. Các nội dung này sẽ được nêu tại Nghị quyết của Chính phủ thay thế Nghị quyết số 16 về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Bộ NN&PTNT cho rằng, hầu hết các địa phương đã chủ động dập dịch, xử lý ngăn chặn đà lây lan. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng đã tiêu huỷ trung bình 30% tổng đàn lợn địa phương vì mắc dịch.
Khó khăn hiện nay được các địa phương nêu ra là thiếu kinh phí chi trả hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và chi phí tiêu thuỷ dịch.
Tại tỉnh Nam Định, tổng kinh phí hỗ trợ cho 12.000 tấn lợn chết trên địa bàn là 442 tỷ đồng, ngân sách địa phương eo hẹp, chỉ trích được 13%, còn ngân sách Trung ương chưa hỗ trợ kịp. Để trấn an người chăn nuôi, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ 26.600 đồng một kg lợn nhiễm dịch.
Tỉnh Thái Bình đã chi 150 tỷ đồng hỗ trợ bà con tiêu huỷ 70.000 tấn thịt lợn, Hà Nam đã chi 54 tỷ đồng hỗ trợ 23% tổng đàn lợn bị chết vì dịch và đang chờ hỗ trợ từ Trung ương.
Trong khi đó, Hưng Yên cũng đã phải tiêu huỷ 160.000 con lợn, chiếm gần 40% tổng đàn lợn, các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ đã bị "xoá sổ" hoàn toàn.
Trong tình hình chung đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam cũng mới ra công văn lần thứ hai đề nghị Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo theo tinh thần Công văn số 258 – CV/HNDTW, ngày 05/3/2019 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về việc tuyên truyền khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Phát huy truyền thống tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, bằng các giải pháp huy động các nguồn lực sẵn có; vận động cán bộ, hội viên, nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các trang trại, gia trại, các tổ chức kinh tế - xã hội…cùng chung sức, hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, các hộ nông dân gặp thiệt hại do dịch bệnh gây ra để kịp thời khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống, tổ chức lại sản xuất hợp lý, có hiệu quả.
Thực hiện tốt công tác giám sát các cơ quan, tổ chức cá nhân trong tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Kịp thời phát hiện những sai phạm để thông tin cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
Đối với các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào, nhất là các tỉnh, thành phố có đường biên giới với Campuchia (hiện đang bùng phát dịch bệnh) cần tiếp tục tuyên truyền người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; tiếp tục phối hợp triển khai tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc, nhất là các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột, hóa chất.
Phối hợp tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc sát trùng từ các hộ chăn nuôi ra bên ngoài khu vực nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh ở địa phương mình, tổng hợp báo cáo vào ngày 30 hàng tháng (trong thời gian đang diễn ra dịch bệnh). Đồng thời, kịp thời báo cáo các phát sinh, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện bằng văn bản, email về Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Trên cơ sở đó Trung ương Hội tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương kịp thời chỉ đạo giải quyết.
Khi tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và hiện nay vẫn chưa có vắc xin ngừa dịch tả lợn châu Phi thì đã xuất hiện vắc xin ngừa dịch tả heo châu Phi giả.
Hoinongdan.org.vn