Với lợi thế về đất đỏ ba dan và tiểu vùng khí hậu thích hợp trồng nhiều loại cây ăn quả, trong đó có cây chuối mật mốc đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa. Cây chuối đã mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ gia đình ở các xã vùng Lìa. Những vùng chuyên canh chuối ngày càng được mở rộng, tăng năng suất và sản lượng.
Tiêu thụ chuối ở chợ Tân Long, Hướng Hóa |
Điều đáng quan tâm hiện nay là cây chuối Hướng Hóa được canh tác hữu cơ nên tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng tốt. Tuy nhiên, trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu, chuối Hướng Hóa từ trước cho tới năm 2018 vẫn không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ nên nhiều lúc bị ép giá, bị thua thiệt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm chuối tươi chất lượng cao ở Hướng Hóa khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, từ năm 2017, Hội Nông dân huyện đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Hướng Hóa. Đến tháng 8/2018, Hội Nông dân huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể số 299267 cho sản phẩm chuối Hướng Hóa.
Tính đến cuối năm 2018, người dân huyện Hướng Hóa trồng được 3.800 ha chuối, sản lượng chuối quả tươi đạt khoảng 56.000 tấn. Giá chuối trên thị trường từ trước tới nay có tăng, có giảm, có thời điểm giảm sâu, chỉ từ 1.000- 2.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc giá chuối tươi tăng cao 10.000- 12.000 đồng/ kg đưa lại thu nhập khá cho người trồng chuối. Hiện giá chuối tươi ở Hướng Hóa đang ở mức 6.000 đồng/kg, người trồng chuối đã có lãi. Với hơn 2 ha đất đỏ ba dan, gia đình anh Hồ Văn On, ở bản 1, xã Thuận, huyện Hướng Hóa gắn bó hơn 10 năm nay với nghề trồng chuối mật mốc và có thu nhập khá. Bình quân mỗi năm trừ các khoản chi phí sản xuất, gia đình anh On thu được khoảng 150 triệu đồng từ trồng chuối. Gia đình anh On là 1 trong hàng ngàn hộ dân ở các xã vùng Lìa giàu lên nhờ chuối. Vậy nên, khi biết chuối Hướng Hóa đã được cấp nhãn hiệu tập thể thì người trồng chuối ở đây rất phấn khởi. Bởi khi có nhãn hiệu để chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ thì giá trị chất lượng sản phẩm chuối Hướng Hóa được nâng lên. Người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng hơn với sự lựa chọn của mình về sản phẩm nguồn gốc xuất xứ. Chủ tịch UBND xã Tân Long Trương Đình Tùng cho biết: “Người dân ở đây rất vui khi sản phẩm chuối Hướng Hóa đã được cấp nhãn hiệu tập thể và được bảo hộ trên toàn quốc. Đây là cơ hội để chuối Hướng Hóa có được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường. Sản phẩm dễ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn vì đã chứng minh đầy đủ nguồn gốc xuất xứ. Sắp tới, xã sẽ thành lập HTX sản xuất chuối để đứng ra liên kết sản xuất giữa các hộ và làm đầu mối giúp người dân làm nhãn mác của nhãn hiệu chuối Hướng Hóa để tiêu thụ chuối thuận lợi hơn. Các ngành chuyên môn cũng sẽ hỗ trợ để xây dựng mô hình chuối khoảng 10 ha ở vùng Xi Núc.”
Vùng Lìa Hướng Hóa có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp nên chuối phát triển tốt, trái căng tròn, vỏ mịn màng, sum suê. Vào những năm giá chuối tăng mạnh, người dân còn sang Lào thuê đất sản xuất và chở sản phẩm về Việt Nam tiêu thụ nên nguồn chuối cung cấp ở Hướng Hóa ra thị trường khá dồi dào. Với chất lượng tốt, nguồn cung sẵn thì việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa vào năm 2018 là điều kiện thuận lợi để sản phẩm chuối Hướng Hóa mở rộng thị trường. Hội Nông dân huyện là đơn vị đứng ra đăng ký nhãn hiệu này nên được công nhận là chủ Giấy Chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Các thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này là Hội Nông dân các xã, thị trấn: Lao Bảo, Tân Thành, Tân Long, Tân Lập, Thuận, Thanh và Hướng Lộc. Tất cả hội viên của Hội Nông dân các xã, thị trấn trên được sử dụng nhãn hiệu này cho sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường. Người dân cũng có thể tự in nhãn mác hoặc thông qua tập thể là Hội Nông dân xã, HTX trên địa bàn để cùng nhau in nhãn mác nhằm tiết kiệm chi phí. Việc sử dụng nhãn mác này phải đúng quy định, nếu vi phạm quy chế đã ban hành thì hộ đó sẽ không được sử dụng nhãn mác này vĩnh viễn. Do đó, mọi hội viên Hội Nông dân trong vùng được cấp nhãn mác đều phải có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu bằng việc thực hiện đúng quy chế như đã ban hành và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cam kết sản xuất chuối theo phương pháp canh tác sạch. Hội Nông dân huyện đã phổ biến thông tin về nhãn hiệu tập thể đến tất cả các hội viên nông dân trong vùng được cấp phép sử dụng. Hội cũng đang tiến hành các bước tiếp theo để người trồng chuối trong vùng sớm có nhãn mác cho sản phẩm như: Đăng ký mã vạch, đặt in nhãn mác… Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa Hồ Văn Toàn cho biết: “Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho chuối Hướng Hóa sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Nông dân trồng chuối được lợi nhiều từ thương hiệu này. Hiện Hội Nông dân huyện đang xúc tiến các bước tiếp theo để sớm đưa nhãn hiệu này vào khai thác nhằm tăng giá trị sản xuất và đảm bảo phát triển bền vững cho cây chuối trên địa bàn”.
Chất lượng chuối Hướng Hóa từ trước tới nay đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Nay sản phẩm này được bảo hộ trên toàn quốc với nhãn hiệu tập thể là thành công lớn để tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhất là đảm bảo được các quy định về hàng hóa khi tham gia thị trường xuất khẩu. Cây chuối Hướng Hóa cũng có thêm một điều kiện để đảm bảo cho sự phát triển bền vững hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống.
baoquangtri.vn