Trước diễn biến khá phức tạp của dịch lở mồm long móng (LMLM) trong tỉnh Quảng Trị cũng như nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi có thể xâm nhập vào địa bàn tỉnh, hiện nay các ngành chức năng, các địa phương đang khẩn trương thực hiện các giải pháp đồng bộ để xử lí dịch bệnh, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi.
Cơ quan chuyên môn hướng dẫn các gia đình chăn nuôi về cách theo dõi đàn lợn trước nguy cơ dịch LMLM và dịch tả lợn châu Phi |
Hộ gia đình ông Phan Ất, ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã nhiều năm nuôi lợn có quy mô khá lớn tại địa phương. Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch LMLM xảy ra trên địa bàn và nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi, ông đã chủ động vệ sinh chuồng trại, khử trùng trong và ngoài chuồng nuôi để ngăn chặn dịch có thể xảy ra. Ông Ất cho biết: “Lứa này gia đình tôi nuôi 50 con lợn thịt. Nghe tin dịch LMLM xảy ra trên địa bàn xã, gia đình tôi rất lo lắng. Hiện nay tôi thường xuyên rải vôi bột xung quanh chuồng nuôi, theo dõi tình trạng ăn uống, sức khỏe của đàn lợn nhằm có giải pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Với dịch tả lợn châu Phi, tôi cũng đã nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng để phòng tránh”, ông Ất nói.
Ông Hồ Ngọc Anh, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Quảng Trị cho biết, tính đến ngày 25/2/2019, trên địa bàn xã Hải Lệ, dịch LMLM xảy ra trên đàn lợn tại 2 thôn, 8 hộ có lợn phát bệnh và đã tiến hành tiêu hủy 75 con, tổng trọng lượng 3.039 kg. Trước đó, đến ngày 24/2/2019, toàn xã Hải Lệ đã có 2.000 con lợn đã được tiêm phòng vắc xin LMLM để hạn chế dịch lây lan. Ngay sau khi dịch bệnh LMLM xảy ra, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Quảng Trị đã tăng cường giám sát tình hình diễn biến dịch bệnh, tham mưu để tiêu hủy kịp thời những con lợn phát bệnh theo đúng quy định; bao vây khống chế ổ dịch, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Cấp 550 lít hóa chất và cho xã Hải Lệ mượn bình bơm động cơ thực hiện phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường chăn nuôi trong vùng dịch. Phân công và giao nhiệm vụ cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ gia súc, lưu ý kiểm tra gia súc sống trước, trong và sau khi đưa vào giết mổ; tiếp tục phân công cán bộ kĩ thuật trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định cho đến khi hết dịch.
Ngày 13/2/2019 dịch LMLM xảy ra trên địa bàn xã Hải Lệ (chiếm đến 90% tổng đàn lợn của địa phương), Phòng Kinh tế thị xã đã kịp thời tham mưu UBND thị xã thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. “Phòng đã tham mưu UBND thị xã chỉ đạo các địa phương củng cố, rà soát để kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã; chủ động rà soát tổng đàn trên địa bàn để có biện pháp xử lí kịp thời; chỉ đạo nhân viên thú y tích cực bám cơ sở phát hiện bệnh, thông báo kịp thời cho chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng, bao vây để hạn chế dịch bệnh lây lan trên địa bàn, đồng thời tổ chức tiêu hủy một số đàn lợn mắc bệnh”, ông Lê Văn Tâm, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Quảng Trị cho biết.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh, dịch LMLM bắt đầu phát hiện từ ngày 28/12/2018 tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh. Sau đó dịch bệnh tiếp tục được phát hiện tại các huyện khác như: Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Đến nay cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 960 con lợn bị bệnh. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh đến thời điểm hiện tại cũng đã tiêm phòng được 21.775 con lợn. Song song với công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đàn lợn trên địa bàn; thông báo cho nhân dân biết tình hình dịch bệnh để phối hợp triển khai phòng dịch; tăng cường quản lí và xử lí việc vận chuyển gia súc ra vào vùng có dịch; tuyên truyền người dân thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua gia súc bệnh, sản phẩm gia súc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không tự vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc chết bừa bãi. Nghiêm cấm các chủ chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc kinh doanh, giết mổ gia súc bị bệnh, không xuất, nhập lợn vào địa bàn trong thời gian có lợn đang phát bệnh.
Về dịch tả lợn châu Phi, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, dù chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhưng không vì thế mà lơ là chủ quan. Trao đổi với phóng viên, ông Hiền nhấn mạnh: “Đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhưng chúng ta biết dịch bệnh này đã lan ra 30 nước trên thế giới, gần đây nhất dịch đã xảy ra tại nhiều tỉnh của Trung Quốc. Tại Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa. Dịch này lây lan nhanh, lợn nhiễm bệnh ở mọi lứa tuổi và tỉ lệ chết lên đến 100%, hiện nay vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng và thuốc điều trị. Vì vậy chúng tôi cảnh báo người dân khi phát hiện lợn mắc bệnh thì phải báo ngay với địa phương, cơ quan chuyên môn để lấy mẫu bệnh phẩm nhằm xác định nguyên nhân bệnh nào để có giải pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả. Đối với chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Hiện sở cũng đã xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt để tới đây có phương án tuyên truyền, phổ biến và ứng phó tốt nhất nếu có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh”.
baoquangtri.vn