Trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, nhất là đối với các địa phương ven biển, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh lần đầu tiên áp dụng mô hình trồng lạc và ngô thâm canh năng suất cao trên tổng diện tích 22 ha.
Xã Vĩnh Giang áp dụng mô hình trồng lạc thâm canh chất lượng cao
Mô hình thâm canh lạc và ngô năng suất cao ở xã Vĩnh Giang do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ triển khai thực hiện. Trong đó diện tích trồng lạc 20 ha và 2 ha trồng ngô. So với hình thức sản xuất lạc và ngô truyền thống thì mô hình thâm canh mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Ví dụ trước đây, mỗi hécta lạc được trồng theo hình thức truyền thống cho năng suất từ 1,6 đến 1,8 tấn nhưng nếu áp dụng quy trình sản xuất theo hướng thâm canh thì năng suất mỗi hécta tăng lên từ 25% đến 30%. Với những ưu điểm vượt trội như hạn chế thoát hơi nước nhờ áp dụng phủ bạt ni lông, lợi công làm cỏ cho bà con nông dân, số củ trên mỗi cây chiếm tỷ lệ cao nên mô hình sản xuất thâm canh do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ triển khai được các hộ gia đình tham gia và tích cực thực hiện. Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ hỗ trợ 100% giống và bạt ni lông cho các hộ gia đình tham gia mô hình.
Ngoài ra bà con nông dân xã Vĩnh Giang còn được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng lạc và ngô thâm canh. Đối với một xã vùng ven biển hiện đang gặp rất nhiều khó khăn sau sự cố ô nhiễm môi biển thì việc áp dụng mô hình thâm canh vào sản xuất nông nghiệp không chỉ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các hộ gia đình mà còn góp phần thay đổi tư duy, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân.
Baoquangtri.vn