Xây dựng Tổ hợp tác nông sản an toàn ở Gio An

Thứ năm - 16/02/2017 21:52 61 0
Đã từ lâu, rau liệt (xà lách xoong) là đặc sản nổi tiếng của người dân xã Gio An (Gio Linh). Tính đến thời điểm này, toàn xã có khoảng 20 hộ dân tham gia trồng rau liệt tại hệ thống giếng cổ với tổng diện tích 10 ha, đem lại nguồn thu nhập khoảng 5 tỷ đồng/ năm.
Xây dựng Tổ hợp tác nông sản an toàn ở Gio An

Đã từ lâu, rau liệt (xà lách xoong) là đặc sản nổi tiếng của người dân xã Gio An (Gio Linh). Tính đến thời điểm này, toàn xã có khoảng 20 hộ dân tham gia trồng rau liệt tại hệ thống giếng cổ với tổng diện tích 10 ha, đem lại nguồn thu nhập khoảng 5 tỷ đồng/ năm.

Là một loại rau tự nhiên chỉ phát triển trong môi trường nước sạch của hệ thống giếng cổ Gio An, ở nhiệt độ bình quân từ 18- 25 độ C và phải thường xuyên được chăm sóc cỏ, không ưa thích bất kỳ một loại phân hóa học nào nên rau liệt rất an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, được thị trường ưa chuộng. Trên cơ sở những kinh nghiệm đúc kết lâu năm của người dân vùng quê này, rau liệt được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, mang lại giá trị kinh tế cao cho xã Gio An. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu ra sản phẩm chủ yếu dựa vào tư thương nên vào chính vụ thường bị ép giá làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân. Trước tình hình đó, được tài trợ của tổ chức KOICA (Hàn Quốc), tháng 12/2016, địa phương đã thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất nông sản an toàn cho sản phẩm rau liệt.


Thu hoạch rau liệt ở xã Gio An, Gio Linh

Ngoài việc liên kết sản xuất giữa các hộ trồng rau, THT đã được đầu tư mua sắm xe tải để vận chuyển rau tươi từ ruộng đến tận nơi tiêu thụ. Chỉ sau hơn 2 tháng THT đi vào hoạt động, giá trị sản phẩm cây rau liệt đã được nâng lên đáng kể, người trồng rau liệt ở xã Gio An đã chủ động hơn trong tiêu thụ sản phẩm và yên tâm đầu tư phát triển loại cây truyền thống này. Chị Võ Thị Xuân, ở thôn Hảo Sơn cho biết: “Trước đây, đến vụ thu hoạch rau liệt, gia đình tôi thường bán tại ruộng cho tư thương hoặc tự vận chuyển đến các chợ trên địa bàn để bán nên giá cả không ổn định, quá trình vận chuyển thủ công cũng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Từ sau khi THT rau an toàn được thành lập, các hộ trồng rau trên địa bàn rất phấn khởi vì sản phẩm được ô tô vận chuyển đến tận thị trường tiêu thụ, tình trạng tư thương ép giá không còn nữa nên giá rau ổn định hơn, thu nhập của người dân từ đó được nâng lên đáng kể”.

Cùng với việc thành lập THT rau an toàn, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều giải pháp cơ bản nhằm xây dựng thương hiệu cho rau liệt, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết: “Hiện nay, huyện Gio Linh đã thống nhất chủ trương cho xã Gio An xây dựng tiêu chuẩn VietGAP đối với cây rau liệt, địa phương đang hoàn tất hồ sơ để thông qua chuẩn VietGAP. Sau khi được công nhận tiêu chuẩn rau sạch, sản phẩm rau liệt có thể đưa đến tiêu thụ tại các địa phương khác trong cả nước, đưa vào các siêu thị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”. Những năm qua, mô hình THT đã phát triển khá mạnh và rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tín dụng và vay vốn.

Thực tế sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, quá trình hình thành THT do đặc điểm sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, phân tán nên sản xuất hàng hóa từng hộ riêng lẻ không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc sản xuất hàng hoá càng phát triển, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường càng cao thì các hộ cá thể càng có yêu cầu phải hợp tác với nhau để phát triển. Ngoài ra, hợp tác liên kết sản xuất còn giúp các thành viên tự quản lẫn nhau, vì vậy chất lượng nông sản được bảo đảm. Nhờ vậy, nhiều THT sau khi thành lập và đi vào hoạt động đã thực sự là điểm tựa tin cậy cho nông dân vì đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về mặt kinh tế và xã hội. Thống kê từ các cơ quan chức năng cho biết, đến nay toàn tỉnh có 7.150 THT với khoảng 35.00 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực như trồng trọt, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, tiết kiệm - tín dụng... Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các THT đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là hỗ trợ thiết thực cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh và xây dựng nông thôn mới.

Quảng Trị là địa phương có nguồn nông sản dồi dào. Để từng bước xây dựng và giữ vững thương hiệu các nông sản trên thị trường thì việc liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất nông sản đóng vai trò rất quan trọng. Từ hiệu quả của việc thành lập THT nông sản an toàn cho thấy, nên chăng cần mở rộng quy mô thành lập THT ở các sản phẩm nông sản khác như chuối, khoai môn, ném... tại các địa phương để tạo điều kiện cho nông dân liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường và cải thiện thu nhập.

Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay16,636
  • Tháng hiện tại345,343
  • Tổng lượt truy cập2,223,721
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây