Thời gian qua, giá lợn hơi xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn, đặc biệt là chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh điêu đứng, bán cũng lỗ mà nuôi cũng lỗ. Trước tình hình đó, các ngành chức năng, doanh nghiệp trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Nhiều hộ chăn nuôi đã tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có tại địa phương để duy trì đàn lợn nái
Là xã thuần nông, bên cạnh phát triển diện tích trồng lúa và cây rau màu thì chăn nuôi lợn hàng năm chiếm 1/4 tổng thu nhập chung của toàn xã Triệu Đông (Triệu Phong). Nhờ chăn nuôi lợn, nhiều hộ dân đã thoát khỏi khó khăn, vươn lên khá giả. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá lợn hơi giảm mạnh trong cả nước đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Cụ thể, tại thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá lợn hơi từ 40-45 ngàn đồng/kg thì hiện nay giảm xuống còn 25-26 ngàn đồng/ kg. Giá lợn con cũng giảm mạnh xuống còn 32-33 ngàn đồng/kg. Do địa phương chăn nuôi theo phương thức tập trung, sử dụng thức ăn công nghiệp, trong khi giá lợn bán ra thị trường giảm nhưng thức ăn chăn nuôi vẫn giữ nguyên giá nên người chăn nuôi bị thua lỗ.
Trước tình hình đó, để ổn định tình hình chăn nuôi, duy trì được tổng đàn, chính quyền địa phương đã có những giải pháp cụ thể. Ông Võ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Triệu Đông cho biết: “Trước tình hình lợn hơi và lợn con rớt giá như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Để ổn định sản xuất, giúp người dân yên tâm chăn nuôi, hiện tại chúng tôi đang khuyến khích người chăn nuôi tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có tại địa phương như rau, cám gạo, các phế phụ phẩm nông nghiệp để duy trì tổng đàn, nhất là đàn lợn nái thay vì sử dụng thức ăn công nghiệp như hiện nay”. Theo khảo sát của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện nay lợn hơi có giá giao động từ 25-30 ngàn đồng/kg, trong khi đó so với thời điểm hơn tháng trước, giá lợn hơi vẫn đang ở mức 34-45 ngàn đồng/kg. Người chăn nuôi đang đối mặt với khó khăn lớn khi giá thức ăn chăn nuôi không giảm, nhiều hộ nuôi lợn thịt đã đến thời điểm xuất chuồng nhưng hàng ngày vẫn phải cho ăn cầm chừng để chờ lợn lên giá để giảm bớt thua lỗ.
Tuy nhiên, thực tế chăn nuôi lợn cho thấy, nếu giữ lại quá lâu thì người chăn nuôi sẽ phải chịu thiệt hại kép vì lợn sẽ lên mỡ, chất lượng thịt giảm xuống kéo theo giá giảm, đồng thời phải tiêu tốn thêm chi phí thức ăn. Để giúp người chăn nuôi giải quyết một phần khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã có những giải pháp cụ thể để giúp người dân. Ông Hồ Văn Chinh, phụ trách ngành hàng thực phẩm siêu thị Co.op Mart Đông Hà cho biết: “Hệ thống siêu thị đã thực hiện giảm giá thịt lợn bằng cách đàm phán với nhà cung cấp để cùng chia sẻ lợi nhuận, nghĩa là có thể giảm lợi nhuận để thúc đẩy nguồn cung đầu ra trên cơ sở vẫn giữ nguyên giá thu mua cho người chăn nuôi. Cụ thể, trước đây 1 kg thịt lợn mảnh thu mua khoảng 70 ngàn đồng thì hiện tại siêu thị vẫn đang giữ nguyên giá thu mua nhưng giá bán ra đã giảm so với trước đây từ 20-30%”.
Cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp, để chủ động cân đối tổng đàn lợn phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong điều kiện giá thịt lợn hơi giảm sâu, tránh thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện một số nội dung cụ thể. Trong đó tập trung rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương, hướng dẫn cho người chăn nuôi không tăng tổng đàn, đặc biệt là đàn lợn nái, lợn thịt trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời và đầy đủ về giá thịt lợn hơi, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn để người chăn nuôi không bị tư thương ép giá...Bên cạnh đó, các sở: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Thông tin và Truyền thông căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho người chăn nuôi lợn không tăng quy mô, tổng đàn lợn.
Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi chuyển đổi phương thức, quy mô, cơ cấu giống thích hợp trong giai đoạn hiện nay. Chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc thú y ngoài danh mục tại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại tại địa phương, khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn theo các chuỗi liên kết; hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp trong việc đầu tư, kết nối thị trường bao tiêu sản phẩm. Rà soát, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước như chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị UBMTTQVN tỉnh, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thị trường tiêu thụ thịt lợn và các chủ trương định hướng về ổn định sản xuất, chăn nuôi lợn trong giai đoạn hiện nay. Tin tưởng rằng, với những giải pháp tích cực của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương sẽ góp phần quan trọng giúp người chăn nuôi lợn trong tỉnh giảm bớt một phần khó khăn.
Baoquangtri.vn