Đồng chí Lê Duẩn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và với quê hương Quảng Trị

Chủ nhật - 02/04/2017 23:51 132 0
Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 07/4/1907 tại làng Bích La, xã Triệu Đông, lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của bà con làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, hiểu được thống khổ của người dân lao động, đồng chí sớm giác ngộ đi theo con đường cách mạng vô sản. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, Đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ đầu năm 1928 và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng.
Đồng chí Lê Duẩn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và với quê hương Quảng Trị

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 07/4/1907 tại làng Bích La, xã Triệu Đông, lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của bà con làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, hiểu được thống khổ của người dân lao động, đồng chí sớm giác ngộ đi theo con đường cách mạng vô sản. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, Đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ đầu năm 1928 và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng.

Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí giai cấp nông dân trong lực lượng cách mạng, năm 1939, khi được giao trọng trách Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (11/1939). Nghị quyết nêu rõ: “Công nông là hai lực lượng chính của cách mạng, sự đồng minh chặt chẽ của công nông là vấn đề sống chết của cách mạng”.


Tháng 10-1981, Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm đồng lúa của HTX nông nghiệp Trường Sơn (huyện Kiến An, TP.Hải Phòng) - đơn vị đạt năng suất cao về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ảnh TL.

Trên cương vị Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề quan trọng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia cấp ruộng đất cho nông dân nghèo, củng cố liên minh công nông, động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước.

Văn kiện nổi tiếng “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí soạn thảo đã xác định rõ “Mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam”, nêu lên “Hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam”. Đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Đảng bộ miền Nam không chỉ lăn lộn trong phong trào quần chúng, về với bưng biền, buôn, sóc bám dân để nắm bắt thực tiễn mà còn tổ chức thực tiễn đưa quần chúng vào hành động đấu tranh từ thấp đến cao, làm dấy lên một không khí tràn đầy tin tưởng, phấn chấn, tạo ra phong trào Đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban chấp hành Trung ương Đảng hoạch định đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong việc tìm tòi con đường đưa nước ta từ một nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Cuối năm 1954, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến kinh tế nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm điểm xuất phát. Đại hội lần thứ III của Đảng (9-1960) khẳng định: “Trong nền kinh tế quốc dân miền Bắc, nông nghiệp chiếm bộ phận rất quan trọng; nông dân lao động là một lực lượng sản xuất to lớn. Muốn đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải đi từ nông nghiệp, phải dựa vững vào lực lượng của nông dân lao động và phát huy tính tích cực cách mạng của họ.

Trong hai cuộc kháng chiến, nông nghiệp, nông thôn là toàn bộ hậu phương cho tiền tuyến lớn, đồng bào nông dân không quản hy sinh, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc giải phóng dân tộc. Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nhận xét: Nông dân Việt Nam không có tư hữu. Nếu có tư hữu thì không thể giải thích được các việc làm của nông dân cho kháng chiến, ví như tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, dỡ nhà lót đường cho xe qua..., những việc làm khó tin với ngày nay nhưng lại rất bình thường ngày ấy”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước tiến lên CNXH, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng XHCN ở nước ta - một nước nông nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây là một sự nghiệp vĩ đại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, do đó đầy những gian nan, thử thách. Trong điều kiện nước ta nền kinh tế còn thuần nông, chế độ sản xuất nhỏ còn biểu hiện nổi bật, đồng chí chỉ rõ: “Con đường từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn của nước ta trong nông nghiệp thì tất yếu phải biến nền nông nghiệp cá thể, độc canh thành nền nông nghiệp tập thể, toàn diện, giảm dần lao động tất yếu và tăng thêm lao động thặng dư. Muốn vậy, ngay từ đầu phải đem công nghiệp tác động vào nông nghiệp, kết hợp chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp”. Kế tục tư tưởng Hồ Chí Minh, Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Tiến lên sản xuất lớn là phải đổi mới cách làm ăn, lối làm ăn tản mạn, tự sản, tự tiêu, mỗi người chỉ biết tính lợi nhỏ mọn cho mình, chứ không tính đến nhu cầu chung của xã hội”.

Đại hội lần thứ V của Đảng (3/1982) tiếp tục đề ra chủ trương: “Tập trung phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Đại hội coi việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ là tạo tiền đề, điều kiện cho công nghiệp hóa.

Để tạo động lực cho người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đề ra những chủ trương tạo những bước đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động “Khoán 100” (theo chỉ thị 100 của Ban Bí thư, tháng 1/1981) và “Khoán 10” (theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, 1988) với tư tưởng “làm cho sản xuất bung ra” đã động viên giai cấp nông dân hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh, đưa năng suất, sản lượng lương thực lên cao chưa từng có. Từ chủ trương khoán sản phẩm đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng không chỉ trong nông nghiệp, mà còn có tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nước ta.

Nghị quyết 26 của BCHTW 7, Khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” , một trong những nhiệm vụ đặt ra là đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp... Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể. Đây là sự kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta qua các kỳ Đại hội về vấn đề Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn, từng bước nâng cao mức sống nông dân, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Quảng Trị đối với đồng chí Lê Duẩn là quê hương nghĩa nặng, tình sâu. Sinh ra và lớn lên trên đồng quê Triệu Hải đầy nắng gió, gian truân, đồng chí thấu hiểu bao nỗi nhọc nhằn của người dân lao động. Dù ở nơi đâu, bộn bề bao công việc, đồng chí luôn hướng về quê nhà, quan tâm đến sự phát triển của tỉnh, dõi theo từng bước đổi thay trong đời sống bà con nông dân.

Chỉ 5 ngày sau khi Hiệp định Pa ri ký kết, đồng chí vui mừng vào thăm và chúc Tết Quý Sửu - 1973 với Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh. Đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới: “Nay mai chúng ta sẽ xây dựng cuộc sống không còn nghèo đói nữa, trẻ em ta không còn đau khổ nữa, không một ai đau khổ nữa. Điều đó khó lắm, nhưng ta phải làm. Nếu một gia đình nào đó mà con không có áo mặc thì tôi không chịu đâu, không cho phép làm chuyện đó”. Đồng chí nhắc nhở: “Bây giờ Vĩnh Linh phải trồng cây công nghiệp, đắt tiền hơn, phát triển công nghiệp và có phát triển mạnh công nghiệp, đất nước ta mới giàu, Vĩnh Linh mới giàu”.

Ngày 23/3/1976, đồng chí trở về thăm quê hương sau 40 năm xa cách. Đi qua những con đường làng Triệu Phong lỗ chổ hố bom, qua những rặng tre bị bom cày, đạn xới, ruộng đồng, nhà cửa đổ nát, lòng đồng chí bồi hồi xúc động. Về thăm từng gia đình làng quê Hậu Kiên, nhìn bữa cơm của bà con nông dân còn độn nhiều khoai, sắn, quây quần với bà con, đồng chí dặn dò phải cố gắng đi vào thâm canh cây lúa, mở rộng diện tích, khai hoang phục hóa, nhưng đừng quên trồng cây màu truyền thống. Chiến khu Ba Lòng, căn cứ địa Hướng Hóa và bao chiến khu khác đã nuôi bộ đội bằng củ khoai, cũ sắn... thế mà chúng ta đánh thắng hai đế quốc to”. Đồng chí nhắc lại với bà con dân làng: “Ngày xưa, làng mình nghèo lắm, nhưng bà con rất thương nhau. Một gia đình có việc là cả xóm xúm vào giúp, có nấu một nồi khoai, bát nước chè xanh thì gọi nhau đến. Do nghèo và tình nghĩa đồng bào mà tôi ra đi làm cách mạng. Bây giờ hòa bình, độc lập rồi, bà con cần phải thương yêu nhau, đùm bộc nhau, tổ chức tốt các ngành nghề sản xuất để ai cũng có công ăn, việc làm, đời sống ngày càng được nâng cao.

Nói chuyện với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và nhân dân, đồng chí nhắc nhở phải ra sức phát huy truyền thống bất khuất của quê hương, không cam chịu đói nghèo, tìm mọi cách đi lên từ đất đai, tiềm năng và lao động. Đồng chí chỉ rõ: “Đi đôi phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp, lâm nghiệp thành những ngành kinh tế quan trọng. Mỗi làng, mỗi xã đều phải đi vào khoa học kỷ thuật để tăng năng suất lao động, ra sức học tập nâng cao trình độ văn hóa”.

Đến thăm huyện Hướng Hóa, đồng chí vào tận thôn bản để gặp bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, đồng chí cán dặn: “ Huyện ta rất giàu tiềm lực, có điều kiện phát triển kinh tế. Tuy nhiên do chưa chú trọng khai thác đúng mức nên kết quả chưa cao. Tiềm lực con người Hướng Hóa rất to lớn, đồng bào dân tộc ở đây có tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng, lao động cần cù và đoàn kết, thương yêu nhau. Nếu biết phát, huy khai thác những tiềm năng thế mạnh đó thì trong tương lai không xa Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu”.

Gặp gỡ cán bộ, nhân dân thị xã Đông Hà, quan tâm công tác dân số, đồng chí nói: “Ta không sợ đông người, nhưng vì quả đất không thể to thêm được nữa, đất để làm lương thực có hạn, phải hạn chế sinh đẻ, đẻ ít, nuôi dạy cho tốt”. Gắn các loại hình tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, đồng chí căn dặn: “Phải phát triển ngành nghề truyền thống, đan mây tre thành sản phẩm xuất khẩu.

Về thăm Triệu phong, về làng Bích La, Triệu Đông ngày 23/3/1983, vui với niềm vui tỉnh nhà từng bước đi lên, từng bước khởi sắc, thay da đổi thịt. Đứng trên bờ kênh công trình thủy nông Nam Thạch Hãn, tràn đầy xúc động, đồng chí nói: “Lần này tôi về mừng nhất là làng ta có nước, không đói nữa, bây giờ có nước của công trình Nam Thạch Hãn, ruộng cấy được 2 vụ. Đời trước ông bà chúng ta chưa bao giờ nghĩ ruộng đồng làng mình có nước đầy đủ như hiện nay. Hạnh phúc có rồi, dân ta cần cù nhất định làm nên giàu có". Đồng chí căn dặn các đồng chí lãnh đạo: “ Thủy lợi cùng với tiềm năng đất đai và lao động là điều kiện tiên quyết để làm giàu. Cần phải thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật để nâng cao sản lượng lương thực”. Căn dặn với bà con, bạn bè, đồng chí nói: “phải đoàn kết, làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của mình; Trong gia đình phải thương yêu nhau, phải sống nhẹ nhàng, êm ái với nhau...Bất cứ người nào cũng phải có lao động, phải có tình thương, phải đi vào lẽ phải, có lẽ phải”. Trước tình hình dân cư ở nhiều địa phương chật hẹp, người đông, ruộng vườn cằn cỗi, đồng chí quan tâm đề xuất các ngành liên quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con nông dân đến vùng kinh tế mới, sớm ổn định để lập nghiệp, phát triển sản xuất.

Lần cuối về thăm quê (tháng 3/1985), đồng chí gửi gắm nhiều điều tâm huyết với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Động viên nhắc nhở nhân dân phải phát huy hơn nữa đức tính cần cù, dũng cảm, nêu cao quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển vươn lên”. Không dùng những lời lẽ chung chung mà rất cụ thể, nói rõ từng việc, đồng chí căn dặn các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh: “ Phải chú ý phát triển kinh tế ở các vùng, khai thác tốt tiềm năng lao động, xây dựng con người mới có ý thức và đủ năng lực làm chủ, biết lao động, giàu tình thương và trọng lẽ phải”.

Tình cảm và những lời căn dặn ân cần của đồng chí Lê Duẩn đã tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị ra sức phấn đấu, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động để làm giàu cho quê hương, xây dựng Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn./.

Từ Quang Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay13,471
  • Tháng hiện tại435,313
  • Tổng lượt truy cập2,928,124
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây