Đồng chí Lê Duẩn sinh năm 1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông, sau theo gia đình về sinh sống ở làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, Triệu Phong, hơn 20 tuổi đã tham gia vào các phong trào cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Duẩn có nhiều năm hoạt động ở chiến trường miền Nam, cả thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong những năm chống Mỹ, góp phần cùng đồng bào, đồng chí lập nên bao chiến công hiển hách. Năm 1940, từ nhà tù Côn Đảo, lần thứ hai trở về đất liền, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Những năm 1946-1954, với cương vị là Bí thư Xứ ủy, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Trung ương Cục tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và tiến hành cải cách ruộng đất trong các vùng giải phóng. Tháng 10/1954, tại rừng U Minh, Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ được triệu tập. Tại hội nghị này đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Anh tại hội nghị tổng kết chiến dịch giải phóng miền Nam (Đà Lạt 1975). Ảnh: TL
Từ thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, năm 1956, đồng chí soạn thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Trong đó xác định tính chất của xã hội miền Nam là xã hội thuộc địa kiểu mới, chính quyền miền Nam hiện tại là tay sai của đế quốc Mỹ và để chống lại nó, không còn con đường nào khác là con đường cách mạng, sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để đánh đổ chính quyền tay sai thân Mỹ. Trong bài “Đồng chí Lê Duẩn và việc ra đời Đề cương cách mạng miền Nam năm 1956”, tác giả Minh Vượng cho rằng: “Bản Đề cương quý giá này là sản phẩm tinh hoa trí tuệ và nhiệt tình cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, được kết tinh bởi máu xương và nước mắt của hàng triệu đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Nó đã trở thành cơ sở cho Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) năm 1959 về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, đã đưa cách mạng miền Nam vượt qua giai đoạn thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và thế gìn giữ lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công”.
Dám đánh Mỹ, quyết tâm đánh Mỹ là ý chí không thể lung lay của đồng chí Lê Duẩn. Trong lúc nhiều người, nhiều nước trên thế giới sợ Mỹ vì tiềm lực kinh tế, quân sự, quốc phòng hùng mạnh. Không ít nước khuyên chúng ta trường kỳ mai phục thì đồng chí Lê Duẩn vẫn thể hiện một quyết tâm không thể lay chuyển. Quyết tâm đó bắt nguồn từ việc am hiểu tình hình thực tế chiến trường miền Nam và việc nắm bắt ý nguyện cháy bỏng, khát khao của đồng bào miền Nam lúc đó. Trong bài viết “Phải đánh thức nội lực và niềm tin dân tộc” đăng trên Báo An ninh thế giới, số tháng 9/2016, Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn kể lại rằng: “Khi ba tôi hội đàm ở Mát-xcơ-va với Chủ tịch Hội đồng nhà nước Liên Xô thì ông đã nói với ba tôi: Các đồng chí không bao giờ thắng được Mỹ, vì Mỹ mạnh đến mức chúng tôi phải sợ.
Những người đi với ba tôi bảo chưa bao giờ thấy ông giận như lúc ấy, ông bỏ qua mọi nghi lễ ngoại giao mà đập bàn rất mạnh, rồi nói lại: Các đồng chí ủng hộ chúng tôi, chúng tôi sẽ thắng Mỹ với sự hy sinh ít nhất. Các đồng chí không ủng hộ chúng tôi, chúng tôi vẫn sẽ thắng Mỹ với những sự hy sinh gấp 3, gấp 4 lần. Và khi chúng ta thắng Mỹ rồi, ba tôi gặp lại ông này thì thấy ông ấy buồn vô cùng, vì rốt cuộc ông ấy đã sai”. Không chỉ có ý chí, quyết tâm cao, Tổng Bí thư Lê Duẩn còn là vị lãnh đạo cách mạng tài ba, có trí tuệ thông tuệ, nhìn nhận, đánh giá đúng hiện tượng, sự vật, những chuyển động của cuộc sống. Dù không được học hành ở trường lớp nhiều nhưng đồng chí học ở cuộc sống, bạn bè, đồng chí, học trong sách vở, kết hợp lý luận với thực tiễn nên đã tự làm giàu cho kiến thức của mình.
Đồng chí vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ và sau này là Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng giải quyết một loạt những vấn đề về chiến tranh cách mạng, giành độc lập dân tộc, ý thức tự chủ, tự cường và những vấn đề về xây dựng chủ nghĩa xã hội… Nhiều cán bộ cách mạng và đồng bào các tỉnh Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã ví đồng chí là “Ngọn đèn hai trăm nến”, bởi đồng chí giải quyết những vấn đề chiến lược, sách lược rất sắc bén, có nghệ thuật lãnh đạo độc đáo, tài tình, có tư duy lý luận và thực tiễn phong phú, có tầm nhìn xa, thấy rộng, có tư tưởng tiến công và luôn sáng tạo.
Đã có lần Bác Hồ khen khi đọc báo cáo của đồng chí Lê Duẩn từ Nam Bộ gửi ra, rằng: “Chỉ có mấy trang mà nêu rõ được các vấn đề lớn ở Nam Bộ”. Phương pháp tư duy khoa học, khí phách, nhiệt tình và ý chí cách mạng tiến công của đồng chí Lê Duẩn được phát huy cao độ và thể hiện tuyệt vời trong việc chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - tiến hành tổng công kích vào sào huyệt của địch tại Sài Gòn, giành đại thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Là người lãnh đạo cách mạng, đồng chí Lê Duẩn luôn coi trọng việc phân tích, đánh giá tình hình và biết nắm bắt thời cơ rất giỏi. Khi thấy chiến trường miền Nam có lợi cho ta, đồng chí đã đề nghị Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương chuyển sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Từ đề nghị này, Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương đã hạ quyết tâm chuẩn xác tạo điều kiện thúc đẩy cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi nhanh hơn, to lớn hơn, đưa đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào năm 1975.
Đánh giá về những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng: “Suốt hai mươi năm chống Mỹ, có thể nói, trong mỗi quyết sách chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, trong mỗi thắng lợi của tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, trong giai đoạn mở đầu cũng như trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, ở đâu cũng có dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo và nghị lực phi thường của anh Ba”. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất Tổng Bí thư Lê Duẩn, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có bài viết đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, ra ngày 8/7/2016, trong đó nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã rất tin tưởng, sáng suốt khi giao cho anh trọng trách: Trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam kháng chiến chống thực dân Pháp; Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong suốt chiến tranh chống Mỹ và Tổng Bí thư của Đảng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bằng tư duy sáng tạo và phẩm chất lớn lao, anh đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh cao cả đó; anh đã thật sự xứng đáng với sự ủy thác to lớn đó.
Tự giác tôi luyện mình trong đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam”. Nhờ có quyết tâm cao và tư duy sáng tạo, đồng chí cùng với BCH Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành nhiều thắng lợi vẻ vang, không chỉ trong những năm kháng chiến chống Mỹ mà cả những năm sau ngày miền Nam giải phóng trước bộn bề khó khăn; tiếp đó vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 hệ thống các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô sụp đổ thì nước ta vẫn đứng vững, đoàn kết, chung sức tiến hành sự nghiệp đổi mới và đạt được những kết quả ấn tượng như ngày nay. Thành quả đó có phần đóng góp không nhỏ của Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Baoquangtri.vn