Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền xã Hải An, huyện Hải Lăng đã tích cực hướng dẫn, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế phù hợp và từng bước khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống.
Mô hình trồng ném ở xã Hải An
Khác với không khí ảm đạm thời gian qua, những ngày đầu năm mới 2017, các làng chài ở xã Hải An đã bắt đầu bừng lên khí thế làm ăn mới với nhiều hy vọng. Toàn bộ khoảng 200 chiếc thuyền với gần 450 lao động nơi đây đã bắt đầu ra khơi bám biển đánh bắt và liên tiếp trúng nhiều đợt hải sản có giá trị cao. Theo ông Phan Thành Chung, Bí thư Đảng ủy xã Hải An, từ giáp tết đến nay ngư dân địa phương đã có những chuyến biển đầy ắp hải sản. Thống kê đến thời điểm hiện tại, ngư dân toàn xã đã đánh bắt ước đạt 50 tấn hải sản, trong đó chủ yếu là cá khoai, ghẹ xanh, cá hanh… mang lại nguồn thu nhập khá cao. 10/12 nhà hàng, quán phục vụ ăn uống tại bãi tắm Mỹ Thủy trong dịp tết vừa qua cũng đã hoạt động nhộn nhịp trở lại.
Du khách đã bắt đầu trở lại tắm biển, dùng hải sản. “Mọi thứ dường như đã bắt đầu hồi sinh. Khó khăn cũng đã dần qua. Ngư dân bắt đầu phấn chấn trở lại, hăng hái thi đua lao động, sản xuất kể cả trên biển lẫn trên bờ. Đặc biệt, đầu năm hải sản đánh bắt được của ngư dân vừa được mùa vừa được giá nên ai cũng phấn khởi. Nghề biển tại địa phương đã khôi phục được khoảng hơn 70%. Đây là tín hiệu vui kể từ sau đợt sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra”, ông Chung phấn khởi nói.
Những chuyến biển đầu năm, từ cá khoai và ghẹ xanh, bình quân mỗi thuyền thu được từ 4-5 triệu đồng, cá biệt có hộ thu được 13 triệu đồng chỉ sau một chuyến đánh bắt. Ngư dân Mai Văn Lai, thôn Đông Tân An cho biết: “Những ngày đầu năm giá cá khoai bán tại nơi thuyền cập bến là 50.000 đồng/kg, ghẹ xanh từ 200.000-250.000 đồng mà vẫn không đủ bán. Anh em ngư dân chúng tôi rất vui và ra khơi liên tục để khai thác. Cầu mong thời gian tới mọi thứ sẽ thuận lợi hơn với ngư dân, với làng biển chúng tôi”.
Không khí đánh bắt trên biển, dịch vụ ăn uống giải trí tại bãi tắm Mỹ Thủy đã bắt đầu sôi động trở lại. Còn trên bờ, công cuộc chuyển đổi sinh kế, khôi phục sản xuất cho người dân cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực. Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch UBND xã Hải An cho hay, thời gian qua, tiếp nhận sự hỗ trợ từ cấp trên, địa phương đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt với các loại vật nuôi, cây giống mới phù hợp cho người dân. Đến nay, ngoài việc duy trì 6 ha ném thì tại xã đã triển khai mô hình trồng sả với quy mô 1 ha của gia đình chị Phan Thị Hương ở thôn Tây Tân An. Hiện mô hình này đang tiếp tục đầu tư hệ thống phun tưới tự động để sản xuất thuận lợi hơn, đặc biệt là vào mùa khô sắp tới.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp và từng bước chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân, đầu năm 2016, UBND xã đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi giai đoạn 2016-2017. Đến nay đã hỗ trợ không hoàn lại cho 4 mô hình với số tiền 14 triệu đồng; cho vay không lãi 4 mô hình nuôi gà, 1 mô hình nuôi lợn nái sinh sản, 2 mô hình ngư nghiệp với tổng số tiền 54 triệu đồng. Tổng đàn bò toàn xã đến nay đã tăng lên 256 con, trong đó bò lai chiếm 134 con (tăng 82 con so với cùng kỳ); đàn lợn 1.673 con, tăng 463 con; đàn gia cầm 6.500 con, tăng 400 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2016 đạt 177,2 tấn. Về tái cơ cấu nông nghiệp của xã và công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay của xã Hải An cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện toàn xã có 271 hộ thực hiện mô hình kinh tế, trong đó có 37 mô hình nuôi lợn từ 20 con trở lên; 14 mô hình trồng cỏ nuôi bò lai từ 2 con trở lên, diện tích trồng cỏ là 8.800 m2; 4 mô hình nuôi cá với diện tích 683 m2; 1 mô hình điểm của tỉnh nuôi 20 con bò, trồng cỏ 6.000 m2; 215 mô hình trồng ném, diện tích 56.700 m2…
UBND huyện đã thẩm định, cấp kinh phí 131,8 triệu đồng cho 25 mô hình kinh tế đáp ứng các tiêu chí. Địa phương cũng đã quyết định cho 17 hộ mượn đất để đăng ký chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế với tổng diện tích 6,4 ha. Trong năm 2017, xã Hải An sẽ định hướng giúp người dân sử dụng hợp lý số tiền đền bù thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển để phát triển kinh tế phù hợp và hiệu quả. Tiếp tục vận động nhân dân ra khơi bám biển, tích cực khai thác hải sản, kết hợp với tuyên truyền người dân tiêu thụ hải sản trở lại. Phấn đấu sản lượng khai thác hải sản năm 2017 đạt 1.000 tấn.
Đặc biệt là tăng sản lượng hải sản có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu. Phấn đấu phát triển đàn bò lên 300 con, mở rộng diện tích trồng cỏ, chú trọng nâng tỷ lệ bò lai, tăng mô hình nuôi bò nhốt chuồng trên 30 con trở lên. Tiếp tục hỗ trợ 100% kinh phí tiêm phòng cho nhân dân để khuyến khích tái tổng đàn. Về nuôi tôm trên cát, tiếp tục duy trì diện tích 31,2 ha của người dân, tập trung chỉ đạo nhân dân chú trọng khâu kỹ thuật để tăng sản lượng trên đơn vị diện tích. UBND xã tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, chú trọng kiểm tra con giống, quản lý tốt vệ sinh ao nuôi để tránh dịch bệnh trong nuôi tôm. Phát huy hiệu quả hoạt động các ban quản lý vùng nuôi, phấn đấu đạt chỉ tiêu nuôi trồng đề ra là 700 tấn. Cùng với việc đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, địa phương cũng chú trọng hỗ trợ, khuyến khích phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn nhằm tạo ra sinh kế toàn diện, bền vững và thu nhập ổn định cho nhân dân. Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch UBND xã Hải An chia sẻ: “Dẫu còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng những tín hiệu vui đầu năm mới được chúng tôi xem là động lực phấn đấu để đạt các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tập trung khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân địa phương”./.
Baoquangtri.vn