Ngày 27/7/2017 tới đây cả nước sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (1947-2017). Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; tiếp tục đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo mọi mặt đối với người có công với cách mạng; làm sâu sắc thêm truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta.
Trong suốt 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân ngày càng tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; chăm lo việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, có tác dụng sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng Việt Nam.
Là mảnh đất địa đầu giới tuyến một thời, nơi từng diễn ra cuộc đọ sức lịch sử giữa lực lượng cách mạng và thế lực phản cách mạng trong hai cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập dân tộc, Quảng Trị là một trong những tỉnh có nhiều nghĩa trang liệt sĩ và số lượng đối tượng chính sách tương đối cao.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, 7 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, 60 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã và 3 nghĩa trang cấp thôn quản lý. Những năm qua các ngành chức năng đã quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ 54.600 mộ liệt sĩ, trong đó 7.978 mộ liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị và 46.622 mộ liệt sĩ của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, những năm qua tỉnh đã huy động được trên 55 tỉ đồng để nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, xây đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, sửa chữa, tôn tạo mộ liệt sĩ và nhiều công trình ghi công liệt sĩ khác.
Về đối tượng chính sách, toàn tỉnh hiện có 120.178 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó có 18.898 liệt sĩ, 11.477 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.442 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 4.135 người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hàng chục ngàn người có công với cách mạng; hiện đang thực hiện chi trả trợ cấp cho 20.964 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Mặc dù là địa phương chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, nền kinh tế chưa phát triển, nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn dành nhiều sự quan tâm đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
Việc thực hiện các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc.
Chỉ tính riêng về chương trình hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, từ năm 2007 đến 2016, toàn tỉnh đã vận động được gần 33 tỉ đồng để xây dựng mới 1.077 ngôi nhà, sửa chữa 1.107 nhà tình nghĩa và hỗ trợ 2.184 trường hợp khó khăn đặc biệt về nhà ở.
Thời gian qua tỉnh Quảng Trị được Ngân sách Trung ương hỗ trợ 88.940 triệu đồng, đã tiến hành hỗ trợ người có công với cách mạng xây dựng mới 1.230 nhà, hỗ trợ sửa chữa 2.347 nhà.
Một con số có ý nghĩa là đến nay có 98% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện.
Trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách chăm lo cho các gia đình chính sách, trân trọng sự cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, tìm giải pháp nâng cao đời sống của các gia đình chính sách.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của mình đối với các gia đình chính sách bằng những việc làm thiết thực, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, nghĩa tình.
Baoquangtri.vn