Sự cố ô nhiễm môi trường biển đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngư dân vùng biển Gio Linh. Để giúp người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống, huyện Gio Linh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp về phát triển cây trồng, con nuôi phù hợp, đặc biệt là triển khai thực hiện Kết luận 14-KL/ TU ngày 15/8/2016 của Tỉnh ủy về “Các giải pháp chuyển đổi sinh kế, khôi phục và phát triển sản xuất cho nhân dân vùng biển”.
Trồng sả trên đất cát đem lại hiệu quả cao |
Theo đó, UBND huyện Gio Linh đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất phát triển nông nghiệp ở 6 xã vùng cát với diện tích 1.010 ha (bao gồm Gio Mỹ 400 ha, Gio Thành 110 ha, Trung Giang 200 ha, Gio Hải 200 ha, Gio Việt 50 ha và thị trấn Cửa Việt 50 ha). Bên cạnh việc tiến hành quy hoạch đất sản xuất, huyện đã hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn, chuyển giao, ứng dụng KHKT để xây dựng các mô hình kinh tế trên vùng cát, góp phần chuyển đổi sinh kế cho nhân dân vùng biển.
Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Sau một năm triển khai Kết luận số 14 của Tỉnh ủy, huyện Gio Linh đã xây dựng được 10 mô hình nuôi bò với kinh phí 388 triệu đồng tại các xã Gio Mai, Gio Việt, Trung Giang; 4 mô hình chăn nuôi lợn tại các xã Gio Việt, Trung Giang với kinh phí đầu tư là 330 triệu đồng;1 mô hình trồng ném với kinh phí 36,8 triệu đồng, 1 mô hình trồng lạc với kinh phí 143 triệu đồng ở xã Gio Hải; 1 mô hình trồng nấm, kinh phí 25 triệu đồng ở xã Gio Việt; 2 mô hình nuôi chim yến tại thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt với kinh phí 90 triệu đồng; 1 mô hình nuôi cá, cua xen ghép, kinh phí 120 triệu đồng tại xã Trung Giang; 1 mô hình nuôi gà tại xã Gio Mai, kinh phí 20 triệu đồng; 1 mô hình nuôi cá lồng tại thị trấn Cửa Việt, kinh phí 40 triệu đồng…Việc xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại các địa phương đã được UBND huyện giao cho các phòng, ban chức năng khảo sát thực tế, nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, tập quán sản xuất và liệu tính thị trường tiêu thụ nên bước đầu mang lại hiệu quả tích cực”.
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng cát và ven biển bãi ngang, huyện Gio Linh đã định hướng cho người dân chuyển sang trồng các loại cây gia vị và rau quả như cây ném, kiệu, mướp đắng…phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và mang lại giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài các mô hình thí điểm được huyện đầu tư cần phải kể đến sự nhập cuộc tích cực của người dân ở vùng cát Gio Linh trong việc tìm kiếm các loại cây trồng phù hợp. Trong đó có các mô hình chuyển đổi trồng ném, kiệu và mướp đắng ở các xã Trung Giang và Gio Mỹ đã khẳng định được hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu cây trồng thích nghi biến đổi khí hậu ở vùng cát…
Ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang cho biết: “Toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên gần 1.100 ha. Ngành nghề chính của người dân là đánh bắt gần bờ nên thu nhập khá bấp bênh. Để cuộc sống người dân được cải thiện, nâng cao thu nhập, UBND xã đã xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó chuyển từ cây khoai, sắn, lúa, ngô có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây ném, kiệu, dưa và mướp đắng, lạc có giá trị kinh tế cao hơn. Trong quá trình chuyển đổi, Phòng NN-PTNT huyện Gio Linh đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng và cách chọn giống. Các loại cây mới được đưa vào trồng thử nghiệm và nhân rộng trên đất cát đã thích nghi và sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Chỉ sau một mùa vụ, cây ném đã cho hiệu quả vượt trội hơn những loại cây trồng truyền thống, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết ở xã Trung Giang hiện có 3 ha đất trồng ném cho năng suất đạt 2 tấn/ha. Trong đó, diện tích đất trồng ném thuộc mô hình huyện hỗ trợ cho nông dân là 2 ha, còn lại diện tích người dân tự trồng hàng năm là 1 ha.
Mô hình hỗ trợ trồng ném của xã Trung Giang được triển khai ở 3 thôn Hà Lợi Trung, Cang Gián và Thủy Bạn với 30 hộ gia đình, mỗi thôn 10 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ 13 kg ném giống, trị giá khoảng 1 triệu đồng. Chị Thương ở thôn Hà Lợi Trung cho biết, trước đây gia đình chị trồng khoai lang, mỗi vụ thu hơn 1 triệu đồng. Sau khi chuyển sang trồng cây ném cho thu hoạch được 1 tạ ném hạt. Với giá bán trên thị trường khoảng 60.000 đồng/kg, gia đình thu lãi trên 5,5 triệu đồng.
Ngoài cây ném cho thu nhập cao thì hiện nay phong trào trồng cây mướp đắng đang phát triển khá mạnh ở các xã vùng biển Gio Linh, đặc biệt là ở xã Gio Mỹ. Theo thống kê hiện nay toàn xã có trên 200 hộ dân tham gia trồng mướp đắng với diện tích khoảng 17 ha. So với các loại cây màu khác, mướp đắng cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Bình quân mỗi sào đất trồng 2 vụ ngô cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng, nhưng trồng mướp đắng thu nhập khoảng 16 triệu đồng.
Từ một vùng đất cát trắng chua mặn, hoang hóa nay người dân đưa vào trồng các loại cây thích nghi với điều kiện nắng nóng như cây sả đã mang lại một nguồn thu nhập đáng kể. Công ty CP Tổng Công ty thương mại Quảng Trị đã có chính sách hỗ trợ ngư dân trồng sả thí điểm với diện tích 1 ha trên vùng đất cát Trung Giang. Sau 6 tháng cây sả cho thu hoạch với năng suất 10 tấn/ha/vụ, mỗi năm thu 2 vụ được 20 tấn. Như vậy 1 ha sả cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. Bước đầu mô hình trồng sả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Hiệu quả mang lại từ trồng sả là vừa có thu nhập, vừa giải quyết được việc làm cho một lượng lao động rất lớn ở nông thôn. Do đó không riêng ở vùng cát, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Gio Linh đã có kế hoạch tận dụng hết diện tích đất trồng cạn kém hiệu quả để đưa vào trồng sả có giá trị kinh tế cao hơn.
Hiện nay ở huyện Gio Linh cũng như trên toàn tỉnh Quảng Trị có diện tích đất cát trắng hoang hóa rất lớn. Vì vậy có thể tập trung đưa cây sả, ném, mướp đắng trở thành cây trồng chủ lực, hiệu quả cao. Nhưng trước khi nhân rộng các mô hình ở quy mô lớn cần tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm từ các mô hình trồng điểm và quảng bá đến đông đảo người dân, qua đó khuyến khích mở rộng diện tích cây trồng trên đất khô hạn, nhiễm mặn. Đặc biệt là tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định, xây dựng được chuỗi giá trị, phát triển cây trồng bền vững, giúp nông dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai ổn định sản xuất và nâng cao đời sống./.
baoquangtri.vn