Do ảnh hưởng không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 12 và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh, từ ngày 4- 6/11/2017, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to trên diện rộng. Do mưa lớn nên mực nước trên các sông dâng cao, trong đó, mực nước lên cao, nhanh, vượt mức báo động 2 và 3 vào ngày 5/11, cụ thể như tại lưu vực sông Thạch Hãn, mực nước thượng nguồn sông là 31,64m (đã đạt đỉnh là 31,98 m, lúc 15 giờ ngày 5/11, vượt mức báo động 2 là 0,48 m), tại đồng bằng là 5,26 m, dưới mức báo động 3 là 0,24 m. Lưu vực sông Ô Lâu, mực nước thượng nguồn sông là 4,6m, vượt mức báo động 3 là 0,3 m (vào lúc 13 giờ ngày 5/11), tại đồng bằng là 3,19 m, dưới mức báo động 3 là 0,31m…
Cầu tràn Húc Nghì (Đakrông) bị hư hỏng nặng cần sớm được đầu tư khắc phục. Ảnh: MĐ |
Mưa lớn từ ngày 4-5/11 đã làm ngập, cô lập và chia cắt nhiều khu dân cư và một số tuyến đường có ngầm, tràn, vùng thấp ở khu vực miền núi huyện Đakrông, Hướng Hóa và vùng thấp trũng ở đồng bằng. Về tình hình thiệt hại, thống kê sơ lược ban đầu, có 650 nhà bị ngập (Hải Lăng 460 nhà, Triệu Phong 186 nhà và Đakrông 4 nhà), mức ngập từ 0,3-1,0 m, có nơi bị ngập sâu từ 1,0- 1,8m (20 nhà ở xã Hải Hòa, Hải Lăng); về giao thông, tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang (Đakrông) do mưa lớn đã gây ra sạt lở tại km5+300 với khối lượng 500 m3; tuyến đường vào thôn A Pun (Tà Rụt, Đakrông) bị sạt lở khoảng 50 m3.
Tuyến đường Hồ Chí Minh, tại km37 (Hạt quản lý đường bộ A Ngo), vị trí sạt lở do ảnh hưởng các đợt mưa, bão trước đó và giờ chịu thêm ảnh hưởng của đợt mưa to trong mấy ngày qua nên tiếp tục bị sạt lở taluy, đất đá tràn 1/2 mặt đường; phía trên có cột điện 35KV bị lỏng chân có nguy cơ gãy đổ. Tại km248+450 (trên địa bàn xã Húc Nghì) tiếp tục bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường ở các xã: Triệu Giang, Triệu Long, Triệu Thuận, Triệu Đại… (huyện Triệu Phong) bị chia cắt, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Tại xã Triệu Long, nước từ thượng nguồn đổ về quá lớn làm sạt lở 0,8 km bờ sông Thạch Hãn. Ngoài ra còn một số thiệt hại khác chưa được thống kê cụ thể như về các công trình thủy lợi, đê điều, diện tích lúa, hoa màu…
Ngày 6/11/2017, mưa nhỏ lại nên mực nước ở các sông bắt đầu xuống; nhiều tuyến bị cô lập, chia cắt cục bộ trước đó giờ đã thông thoáng, đi lại thuận lợi cho người dân như tuyến đường Lìa từ Tân Long đi xã Thuận, Thanh, Ba Tầng (Hướng Hóa), tuyến đường A Ngo đi Cửa khẩu La Lay (Đakrông)…
Sạt lở tại Km5+300 tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang (Đakrông). Ảnh: MĐ |
Tuy nhiên, hiện nay, mực nước ở các khu vực sông trên địa bàn vẫn còn khá cao, nước chảy mạnh, xiết, đặc biệt là ở sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu đang ở mức báo động 2. Vì thế, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân không được chủ quan; không được vớt gỗ, củi trên sông; tại các điểm ngầm, tràn vẫn còn ngập nước nên cắm biển báo và thông báo cho người dân biết, cẩn thận trong đi lại.
Ngành Giao thông Vận tải sớm triển khai các phương án khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người và phương tiện khi đi qua những điểm này.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra các hồ đập và thực hiện tốt quy trình chứa nước, xả lũ an toàn.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ, nhân dân khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống và lao động sản xuất.
baoquangtri.vn