Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc đã xảy ra trên địa bàn một số xã, phường ở các huyện, thị xã.
Đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống bệnh LMLM cho gia súc |
Cụ thể, từ ngày 3/4 - 15/5 dịch LMLM xảy ra tại 25 hộ dân với 67 con bò, lợn trên địa bàn xã Gio Sơn, huyện Gio Linh; từ ngày 18/6 - 28/8 xảy ra tại 20 hộ dân tại 3 xã, phường thuộc huyện Hải Lăng, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị với tổng số gia súc mắc bệnh là 118 con; từ ngày 8/9 - 30/9 xảy ra trên đàn lợn 28 con tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong; ngày 10/10 xảy ra trên đàn trâu bò tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa với tổng số 67 con mắc bệnh. Các ổ dịch đều được xác định do vi rút LMLM type O gây ra.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, do công tác kiểm dịch, tiêm phòng bệnh LMLM trên đàn gia súc chưa được triển khai toàn diện và diễn biến của thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển nên nhiều khả năng bệnh LMLM sẽ bùng phát, lây lan trên diện rộng. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt và đồng bộ để chủ động phòng, chống bệnh LMLM.
Bệnh LMLM gia súc là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh, gây ra bởi 1 trong 7 type vi rút là Type A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3. Thời kỳ ủ bệnh LMLM gia súc thường từ 2 - 7 ngày, nhiều nhất là 21 ngày. Khi phát bệnh gia súc có triệu chứng đứng lên, nằm xuống khó khăn, kém ăn; loét miệng, chảy nước dãi trắng như bọt xà phòng và viêm loét viền móng… Sau phát bệnh từ 10 đến 15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng, nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong con vật nhiều tuần, đối với trâu bò là 2 - 3 năm và tiếp tục thải mầm bệnh ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Ông Lê Quang Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Khi thấy gia súc có các triệu chứng của bệnh LMLM, người dân cần thông báo ngay cho chính quyền, nhốt gia súc tại chuồng; việc chữa trị phải theo hướng dẫn của cán bộ thú y; chuồng trại phải được xử lý sạch, khô ráo, phun hóa chất, lối ra vào phải được rắc vôi bột hàng ngày. Để phòng, chống bệnh LMLM, ngay từ đầu người dân phải lựa chọn con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định và đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gia súc”.
Ông Ánh cũng thông tin, bệnh LMLM hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thuốc chữa triệu chứng nhằm làm cho vết thương nhanh chóng lành và không gây ra các biến chứng nguy hiểm. Khi xử lý bệnh ở miệng cho gia súc phải dùng các chất sát trùng nhẹ, các loại quả chua như khế, chanh bóp mềm, rưới nước (hoặc bơm xịt nước) rồi chà đi xát lại ở lưỡi, mặt trong má, hàm trên, lợi, bỏ bã vào miệng cho con vật nhai. Dùng vải mỏng thấm nước nói trên xoa vào vùng vết thương 2 - 3 lần/ ngày, thực hiện trong từ 4 - 5 ngày.
Có thể dùng một trong các chất như xanh Methylen 1%, thuốc tím 1%, Formol 1%, phèn chua 3%, axit acetic 3% hoặc dùng thuốc mỡ Tetracilin, Penicilin bôi vào vết thương. Đối với chữa móng cần phải rửa sạch chân gia súc bằng nước muối, nước lá chát hoặc thuốc tím, phèn chua, dấm ăn, sau đó bôi các chất sát trùng, hút mủ nhanh lên da non, lên vùng móng bị bệnh… Để phòng, chống hiệu quả bệnh LMLM, UBND cấp huyện đang có dịch bệnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp theo quy định, tập trung mọi lực lương để nhanh chóng dập dịch; giao cho cấp xã, thôn quản lý chặt chẽ các ổ dịch và tiến hành vệ sinh tiêu độc ổ dịch.
Tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ổ dịch, chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả và quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn. Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y thực hiện tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc khử trùng theo Kế hoạch 1597/KH - UBND ngày 16/10/2017 của UBND tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về những nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh LMLM trên gia súc, chủ động thông báo dịch bệnh và tham gia phòng, chống bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, không sử dụng sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc và chưa được cơ quan thú y kiểm dịch. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh. Triển khai ngay công tác tiêm phòng vắc xin LMLM vụ thu năm 2017 ngay khi có vắc xin.
Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Ngành nông nghiệp sẽ chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM cho người dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, mua bán gia súc, giết mổ gia súc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương tiêm phòng định kỳ vắc xin LMLM; kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn cho gia súc, thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại và xử lý chất thải; khi phát hiện có gia súc bị bệnh phải báo ngay cho cơ quan thú y và chấp hành nghiêm túc việc xử lý bệnh của cơ quan thú y…”.
Để phòng, chống hiệu quả bệnh LMLM, các ngành chức năng cần triển khai thực hiện tốt các yêu cầu của UBND tỉnh tại văn bản số 5431/UBND - NN ngày 30/10/2017. Trong đó tập trung cho việc bảo đảm kinh phí thực hiện; tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh LMLM; kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc và sử dụng các sản phẩm từ gia súc; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về mức độ nguy hiểm của bệnh LMLM để nâng cao nhận thức, ý thức chủ động phòng, chống trong nhân dân…
baoquangtri.vn