Sau vụ việc cá chết hàng loạt bất thường xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị, tỉnh và các ngành chức năng đã và đang chủ động, tích cực triển khai các biện pháp nhằm ổn định cuộc sống của ngư dân trong giai đoạn trước mắt và tạo điều kiện cho bà con tiếp tục khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản cũng như kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính tặng quà cho ngư dân
Khi tình trạng cá chết bất thường xảy ra, ban đầu ông Lê Giáo ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong cũng như nhiều ngư dân khác ở vùng biển Quảng Trị có hoang mang, lo lắng nhưng nhờ các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích cũng như có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ, tàu của ông vẫn tiếp tục ra khơi. Ông Giáo cho biết: Bây giờ tạm thời không đánh bắt trong vùng ven bờ và vùng lộng nữa mà vươn ra khơi xa, đánh bắt các loại hải sản ở tầng nổi. Điều rất phấn khởi là cá bắt đầu tiêu thụ được, tuy giá cả chỉ bằng 30 đến 40% so với trước đây nhưng khi đánh bắt về đã có người thu mua, cuộc sống đã dần dần ổn định, ông tin rằng ngư dân sẽ sớm vượt qua khó khăn. Còn ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho hay: Huyện Gio Linh có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh Quảng Trị với hơn 900 tàu, trong đó tàu xa bờ 115 chiếc, giải quyết việc làm cho 3250 lao động. Ngoài ra các xã ven biển còn nuôi trồng thủy sản, đặc biệt có hàng trăm cơ sở thu mua, hấp sấy cá khô, chế biến nước mắm và hàng trăm hộ kinh doanh dịch vụ dọc các bãi biển, do vậy trong đợt cá chết bất thường vừa qua đây là nơi bị thiệt hại năng nhất. Thấy rõ điều này, sau khi sự việc xảy ra, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến những chính sách mà Chính phủ, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ trước mắt và lâu dài nên bà con ngư dân đã bớt băn khoăn, lo lắng và các tàu đánh bắt xa bờ đã tiếp tục ra khơi.
Thương lái thu mua hải sản ở cảng cá Cửa Việt
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, từ ngày 16 tháng 4 năm 2016, tại các xã vùng ven biển từ huyện Vĩnh Linh cho đến Hải Lăng xảy ra hiện tượng cá biển chết dạt vào bờ, chủ yếu các loài cá ở rạn đáy, ước tính khoảng 30 tấn. Đến ngày 21 tháng 4 tình hình nói trên đã giảm dần và hiện nay không còn hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ. Sự việc cá chết bất thường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, riêng tổng thiệt hại về kinh tế bước đầu ước tính hơn 141 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 11796 hộ với 56700 nhân khẩu bị ảnh hưởng, số tàu thuyền bị ảnh hưởng 2614 chiếc, trong đó tàu thuyền khai thác ven bờ 2418 chiếc. Trước thực trạng đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con ngư dân. Cùng với việc tổ chức thu gom, chôn lấp, xử lý môi trường, hướng dẫn, khuyến cáo người dân không sử dụng các sản phẩm từ thủy, hải sản chết, nghiêm cấm việc tiêu thụ, thu gom, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thủy hải sản chết làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, các cấp, các ngành phối hợp với các địa phương đã tuyên truyền, giải thích cho ngư dân không nên hoang mang, lo lắng và kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị ảnh hưởng. UBND tỉnh đã kịp thời phân bổ 300 tấn gạo để hỗ trợ cho các gia đình gặp khó khăn 1 nhân khẩu 15 kg gạo/1 tháng và 1 triệu đồng/hộ, đảm bảo không để nhân dân bị thiếu đói và kêu gọi các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm quyên góp tiền và hiện vật giúp đỡ ngư dân. Các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu, chứng nhận an toàn đối với những thủy, hải sản đánh bắt xa bờ, có nguồn gốc rõ ràng để thuận lợi cho việc thu mua và tiêu thụ. Từ ngày 1 tháng 5 đến 7 tháng 5 đã cấp tất cả 40 giấy chứng nhận với số lượng thủy, hải sản ước tính là 124 tấn và đã được tiêu thụ hết. Nhờ vậy đã góp phần động viên, khuyến khích bà con ngư dân yên tâm bám biển, đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy, hải sản và tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, đến nay, có 100/196 tàu cá xa bờ trên địa bàn tỉnh đã trở lại hoạt động bình thường trên vùng biển khơi. Tuy nhiên ngư dân vùng biển vẫn đang đối mặt với bao khó khăn đó là số tàu cá ở vùng biển bãi ngang và tàu khai thác gần bờ hầu như không ra khơi, các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ lẫn xa bờ vẫn tiêu thụ chậm, giá thấp, môi trường ven biển còn bị ô nhiễm, các hộ nuôi trồng thủy sản không dám cải tạo ao hồ, nuôi vụ mới. Các hộ hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ ở các bãi biển hầu như đóng cửa, lượng du khách và người dân tắm biển sụt giảm trông thấy. Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Trong lúc chờ xác định chính xác nguyên nhân thủy hải sản chết bất thường, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh và chủ động kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy, hải sản tiếp tục thu mua, tiêu thụ hải sản đánh bắt đã được xác nhận an toàn, tiến hành quan trắc môi trường và khẩn trương kiểm định chất lượng nước biển để công bố phạm vi an toàn phục vụ việc đánh bắt gần bờ của ngư dân và hoạt động du lịch ven biển cũng như nuôi trồng thủy sản. Tỉnh Quảng Trị cũng đang đề xuất với Chính phủ xem xét, hỗ trợ khoảng 34,6 tỷ đồng và hơn 840 tấn gạo để giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Về lâu dài đề nghị Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ người dân một phần lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn đối với người vay vốn đóng tàu đánh cá xa bờ, dịch vụ thủy sản, dịch vụ du lịch ven biển và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ chuyển đổi một số nghề khai thác cá đáy ven bờ sang khai thác cá nổi, đào tạo nâng cao kỹ thuật đánh bắt cho ngư dân khai thác ven bờ để làm thuyền viên cho các tàu khai thác xa bờ. Đặc biệt tiếp tục thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ một cách quyết liệt và có hiệu quả để phát triển đội tàu đánh cá xa bờ nhằm chuyển dịch từ khai thác ven bờ sang khai thác vùng lộng và vùng khơi.
Hiện tượng hải sản chết bất thường được xác định là một thảm họa đối với ngành thủy sản, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh tại vùng ven biển ở một số tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Để khắc phục được hậu quả và khôi phục lại sản xuất cần một quá trình lâu dài nên tỉnh đang chỉ đạo trước mắt là trích ngân sách và huy động sự đóng góp từ nhiều nguồn, kịp thời về hỗ trợ cho ngư dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và tiếp tục tìm các biện pháp tạo điều kiện cho bà con khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản.
Bá Thuần