26 năm gắn bó với công tác phòng chống bệnh lao

Chủ nhật - 22/03/2015 22:25 123 0
Ở trong ngành, mọi người biết đến ông không chỉ vì ông là Giám đốc của Bệnh viện Lao và bệnh phổi; là người có cái tên nghe rất thú vị: Bác sĩ Trương Huyền Trường mà còn vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực phòng chống bệnh lao của tỉnh Quảng Trị trong suốt 26 năm qua.

Ở trong ngành, mọi người biết đến ông không chỉ vì ông là Giám đốc của Bệnh viện Lao và bệnh phổi; là người có cái tên nghe rất thú vị: Bác sĩ Trương Huyền Trường mà còn vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực phòng chống bệnh lao của tỉnh Quảng Trị trong suốt 26 năm qua.

Tốt nghiệp chuyên ngành Lao và bệnh phổi, năm 1989, khi tỉnh Quảng Trị lập lại, bác sĩ Trương Huyền Trường được phân công công tác tại Trạm chống lao Quảng Trị. Thời điểm đó, Trạm chống lao cùng 5 trạm chuyên khoa khác phải đóng chung trụ sở là phòng khám của Bệnh viện Hà Lan (cũ), không gian hoạt động của mỗi đơn vị chỉ ước chừng 20 m2. Nhân sự lúc đầu của Trạm chống lao chỉ vỏn vẹn 4 người, trang thiết bị hết sức sơ sài, thiếu thốn. Ngoài kính hiển vi dùng để xét nghiệm đàm và ống nghe thì chỉ có 1 bộ bàn ghế gỗ cũ, 1 tủ gỗ cũ và 1 tủ lạnh đã hỏng. Trái ngược với sự nghèo nàn về cơ sở vật chất và sự thiếu thốn về nhân lực, nhiệm vụ chuyên môn của Trạm chống lao những ngày đầu hết sức bề bộn. Cùng một lúc vừa phải tổ chức khám chữa bệnh, vừa phải xây dựng mạng lưới chuyên khoa từ tỉnh đến xã, phường, vừa phải triển khai Chương trình phòng chống viêm phổi trẻ em.



Bác sĩ Trương Huyền Trường (ngoài cùng, bên trái) thăm bệnh nhân lao tại nhà


Chính trong giai đoạn khó khăn này, với nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nghề, bản thân ông cùng đồng nghiệp đã nảy sinh ý tưởng kết hợp với Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện đa khoa tỉnh để tổ chức khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú cho bệnh nhân trong toàn tỉnh. Mô hình kết hợp này đã đem lại hiệu quả cao trong công tác điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh lao trên địa bàn. Song song với việc triển khai khám chữa bệnh, ông cùng các đồng nghiệp bắt tay ngay vào việc xây dựng mạng lưới chống lao tại các tuyến huyện, xã trong toàn tỉnh và sau này khi có đủ nhân lực đã triển khai xây dựng đội ngũ cộng tác viên tại thôn bản. Thông qua hoạt động này, mạng lưới chống lao từ tỉnh đến cơ sở đã được xây dựng hoàn thiện, được đào tạo, làm việc theo bài bản và được đánh giá là một trong số những mạng lưới hoạt động ổn định và có hiệu quả nhất trong hệ thống Y tế suốt hơn 20 năm qua.

Những thành quả bước đầu trong việc xây dựng và củng cố mạng lưới phòng chống bệnh lao đã tiếp động lực cho đồng nghiệp và bản thân bác sĩ Trương Huyền Trường gắn bó thêm với công việc. Giai đoạn này, với năng lực và kinh nghiệm sẵn có, ông thường xuyên đi xuống tuyến dưới giúp đào tạo tại chỗ cho cán bộ cơ sở theo hình thức cầm tay chỉ việc, đồng thời bản thân ông cũng tích cực tham dự các lớp học khác nhau dành cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phòng chống bệnh lao do các chuyên gia nước ngoài đào tạo.

Nhờ các kiến thức, kinh nghiệm và cách làm việc hiệu quả của các chuyên gia quốc tế, ông đã truyền thụ lại cho cán bộ tuyến dưới nhằm giúp họ nâng cao hiệu quả chuyên môn. Bên cạnh đó, vận dụng những kiến thức được tiếp thu, ông cùng các đồng nghiệp xây dựng các mô hình, triển khai Chương trình phòng chống viêm phổi trẻ em; Chương trình chống lao tại Quảng Trị không lâu sau trở thành mô hình điểm trong toàn quốc được nhiều tỉnh bạn chọn làm điểm đến tham quan học tập.

Ghi nhận những nỗ lực của ông, từ năm 1990 - 1995, bác sĩ Trường đã được mời làm chuyên gia đi đánh giá các hoạt động chương trình, dự án phòng chống lao của các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Trên nền tảng đó, ông đã tranh thủ để đưa các dự án của các tổ chức quốc tế lần lượt triển khai tại tỉnh Quảng Trị. Và đáng mừng là qua thực tế, hoạt động của các dự án này đều phát huy hiệu quả cao trong việc giúp giám sát, phát hiện, quản lí và điều trị bệnh lao. Đồng thời góp phần đào tạo thêm những cán bộ có chuyên môn vững vàng đảm nhận công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn Quảng Trị.

Từ những kết quả này, Trạm chống lao Quảng Trị trở thành đơn vị điển hình và bắt đầu thu hút được cán bộ xin về công tác. Riêng bác sĩ Trường, với những đóng góp ý nghĩa của bản thân, năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Trạm chống lao và trở thành lãnh đạo một đơn vị tuyến tỉnh trẻ nhất ở thời điểm bấy giờ.

Sau 10 năm gắn bó với Trạm chống lao, năm 1999, bốn trạm chuyên khoa Lao, Tâm thần, Mắt, Da liễu chính thức sáp nhập thành Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (PCBXH), bác sĩ Trường được bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm kiêm Trưởng Khoa Lao. Năm 2014, Bệnh viện Lao và bệnh phổi được thành lập trên cơ sở của Khoa Lao, Trung tâm PCBXH. Với năng lực cùng uy tín của mình, bác sĩ Trường được bổ nhiệm Giám đốc. Trên cương vị mới, ngoài công tác lãnh đạo, bản thân ông vẫn tiếp tục đi đầu trong các hoạt động tổ chức mạng lưới phòng chống lao từ tỉnh đến cơ sở; trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân mắc lao tại bệnh viện cũng như thường xuyên về cơ sở tổ chức các đợt khám, điều trị cho bệnh nhân; trực tiếp kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống lao và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ các tuyến.

Quãng thời gian 26 năm gắn bó với chuyên ngành lao và bệnh phổi, có ý nghĩa hơn cả là những chuyến đi của ông về với cộng đồng. Tại đây, tạm quên đi vai trò là bác sĩ, ông trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc tiếp cận, giải thích và tư vấn cho người dân hiểu rõ bệnh lao. Xóa tan nỗi sợ hãi, xa lánh của người dân đối với bệnh nhân lao khi giúp họ nhận ra bệnh lao chỉ lây qua đường hô hấp, do vi trùng lao gây ra chứ không phải di truyền. Thông qua đó đã giúp người bệnh không còn mặc cảm giấu bệnh mà đã biết tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn trị kịp thời. Đồng thời động viên thuyết phục người bệnh kiên trì theo đúng phác đồ điều trị vì bệnh lao sẽ được chữa khỏi và hoàn toàn miễn phí khi người bệnh tuân thủ nguyên tắc điều trị. Nếu bỏ thuốc thì nguy cơ mắc lao kháng thuốc rất cao, lúc đó sẽ rất khó chữa lành, rất tốn kém, chi phí người bệnh phải tự bỏ ra và nguy cơ tử vong rất lớn. Từ những việc làm có ý nghĩa này, nhiều người bệnh đã được phát hiện sớm và cứu chữa kịp thời, hạn chế được tình trạng lao kháng thuốc, tránh tử vong và ngăn chặn nguồn lây cho cộng đồng.

Bác sĩ Trường tâm sự: “Với tôi, chuyến đi đáng nhớ nhất là lần đi khám bệnh cho người dân 2 xã miền núi Hướng Hóa vào năm 1990. Thời điểm đó cuộc sống dân bản hết sức thiếu thốn do phải tự cung tự cấp, giao thông đi lại khó khăn, đường đi chưa có, phải đi bộ, lội suối, băng rừng. Bữa ăn chủ yếu là cơm nấu với bắp giã dập ăn với muối sống trộn ớt khô không mì chính. Đời sống kham khổ là vậy nhưng nghĩ đến việc mình đang góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là chúng tôi lại quên khổ, quên đói. Kế hoạch của đoàn chúng tôi là 1 tháng nhưng phát sinh thành 1 tháng 20 ngày. Hoàn thành nhiệm vụ về đến nhà tôi mới biết vợ mình đã sinh con được 5 hôm. Chính điều này khiến tôi day dứt mãi vì thương con, thương vợ. Nếu không bù lại với việc có gần 20 bệnh nhân lao được phát hiện và cứu chữa, ngăn chặn sự lây lan cho đồng bào 2 xã trong chuyến đi lần đó thì cảm giác mình chưa tròn trách nhiệm với gia đình sẽ là nỗi day dứt đeo đẳng mãi bản thân tôi”.

Hoạt động phòng chống bệnh lao mà bác sĩ Trương Huyền Trường gắn bó 26 năm qua đã đem đến cho bản thân ông nhiều điều ý nghĩa. Ông đã nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen của các cấp trao tặng. Và đặc biệt là vinh dự trở thành người đầu tiên ở Quảng Trị được tặng Giải thưởng danh giá Phạm Ngọc Thạch tôn vinh những người có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phòng chống lao trong năm 2014. Nhưng với ông, phần thưởng cao quý nhất chính là sự gắn bó, tình cảm quý mến của đồng nghiệp cùng niềm tin của những bệnh nhân lao đã được ông chữa trị trong suốt 26 năm qua.

Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay28,660
  • Tháng hiện tại501,117
  • Tổng lượt truy cập2,993,928
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây