Hiện nay, dược liệu đang là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Ở khu phố Khe Lấp, phường 3, thành phố Đông Hà, Hợp tác xã Đông Hiếu đã hỗ trợ giống, phân bón và giao cho 09 thành viên là hội viên nông dân tham gia trồng thí điểm mô hình cây chè vằng với diện tích 02 ha với vốn đầu tư hơn 120 triệu đồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân ở khu phố Khe Lấp, phường 3 thu hoạch chè vằng
Được biết chè vằng có đặc tính vị hơi đắng, tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan. Chè vằng được dùng trong dân gian dưới dạng nấu nước để uống hàng ngày có tác dụng kích thích tiêu hóa, ngủ ngon và có lợi cho sức khỏe; phụ nữ sau khi sinh uống nước chè vằng thấy có tác dụng lợi sữa, phục hồi cơ thể. Ngoài ra chè vằng còn dùng để trị một số bệnh viêm nhiễm ngoài da như sắc nước rửa vết thương, ngậm để chữa viêm nha chu... cho người bệnh. Đúng một năm sau khi xuống giống cây chè vằng tại khu vực đất rừng khu phố Khe Lấp, phường 3, thành phố Đông Hà, HTX Đông Hiếu đã tiến hành thu hoạch và liên kết xuất bán cho các cơ sở chế biến chè vằng như hợp tác xã Đại Đoàn kết ở huyện Cam Lộ để nấu cao dược liệu thành phẩm.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hề – thành viên của Hợp tác xã Đông Hiếu tham gia trồng cây chè vằng đạt năng suất cao ông cho biết: chè vằng không phải là loại cây khó trồng, cũng không mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng cần phải hiểu rõ kỹ thuật thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt, cho sản lượng cao. Về mật độ trồng khoảng 28.500 - 29.000 cây/ha, cây cách cây 70 cm, hàng cách hàng 40 cm và 2 hàng kép cách nhau 60 cm. Tuy nhiên, tuỳ theo trình độ thâm canh, khả năng đầu tư, địa hình dốc hay phẳng để bố trí mật độ khoảng cách trồng thích hợp. Nếu đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày sau 1 năm xuống giống, cây đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 10 tấn/ha. Theo giá thị trường 10.000đ/kg thì sẽ cho thu nhập 100 triệu đồng/năm/ha. Năm thứ 2 mức thu nhập tăng lên và mỗi năm cho thu hoạch 02 lứa /năm, ước tính khoảng 200 - 220 triệu đồng/ha . Trước đây trên diện tích đất này, sử dụng để trồng rừng thì khoảng 4 – 5 năm mới cho thu hoạch một lần với giá trung bình khoảng 100 – 120 triệu đồng/2 héc ta sau khi đã trừ chi phí.
Nói về định hướng thời gian gian tới, ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc HTX Đông Hiếu, phường 3, thành phố Đông Hà và ông Nguyễn Đức Giao, Chủ tịch Hội Nông dân phường 3 chia sẻ: So với trồng rừng thì chè vằng là loại cây trồng đang cho thu nhập cao trên cùng đơn vị diện tích. Hiện nay, với sự phát triển mạnh của nhiều cơ sở chế biến dược liệu thì đây là loại cây trồng phù hợp, vừa đáp ứng nguồn nguyên liệu vừa giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế, cần được nhân rộng trên địa bàn. Đến nay, tỉnh Quảng Trị có 63 ha chè vằng; trong đó, có 53 ha chè vằng trồng, diện tích còn lại là chè vằng tự nhiên, cho tổng sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm. Chè vằng được trồng tập trung ở các phường vùng ven thành phố Đông Hà và các huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và Hải Lăng. Bên cạnh các cây trồng chủ lực, tỉnh Quảng Trị đang chú trọng phát triển các loại cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn trong tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh. Loại cây này được xác định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao với những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt được người tiêu dùng lựa chọn, góp phần tích cực giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người dân./.
Ngọc Nhân