Với ưu điểm quả ngon, nhanh cho thu hoạch, được thị trường ưa chuộng, anh Lê Hữu Hiện ở thôn Bình Hải, xã Gio Bình, huyện Gio Linh đã trồng ổi lê Đài Loan thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Mô hình cho thu nhập 250 triệu đồng/năm.
Anh Lê Hữu Hiện (người thứ hai từ trái sang) đang giới thiệu về vườn ổi của gia đình
Sau khi được tư vấn về khoa học kỹ thuật, năm 2017, anh đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 1.000 gốc cây ổi lê Đài Loan mua từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam với diện tích 01ha theo mật độ cây cách cây 3m, hàng cách hàng 3m.
Thời gian đầu, cây ổi sinh trưởng và phát triển tốt, bộ rễ khỏemạnh, thân cành chắc, nên cây trồng có khả năng chống chịuđược những diễn biến thất thường của thời tiết. Ổi lê Đài Loan có hình thức bắt mắt, ít hạt, quả giòn và ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Với diện tích 01 ha, năm đầu anh thu hoạch 02 lứa, trừ mọi chi phí, thu nhập đạt 200 - 250 triệu đồng/năm.
Để mô hình thành công, anh chú trọng việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt thông qua đầu tư hàng rào chắn xung quanh vườn đến hệ thống nước tưới nhỏ giọt dẫn vàogốc cây với tổng số vốn hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, tổng diện tích chuyển đổi trồng ổi của gia đình anhđạt hơn 03 ha. Chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc ổi anh lưu ý:Bà con phải đào rãnh thoát nước để cây không bị ngập vào mùa mưa, thường xuyên vun gốc, xới tơi đất cho bộ rễ phát triển, cắttỉa những cành lá sát chân gốc tạo sự thông thoáng và giúp cây nuôi trái, thường xuyên cắt tỉa cành sau mỗi lứa thu hoạch nhằm kích thích cây nảy mầm ra hoa lứa tiếp theo; để chống ruồi vàng đục hỏng quả, người trồng nên bọc quả bằng túi ni lông bọc từng quả lại từ khi quả còn nhỏ. Ngoài ra, dùng phân bò ủ hoai bón cho cây phát triển.
Với vốn kiến thức ít ỏi, anh đã lặn lội đến vườn ổi của một người bạn thuộc tỉnh Thanh Hóa để học thêm kinh nghiệm thực tiễn và tiếp tục nhân rộng diện tích cây trồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Gio Bình, huyện Gio Linh cho biết: Người dân xã Gio Bình, huyện Gio Linh sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, người dân đã áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất so với trước đây nhưng thu nhập mang lại không lớn. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo điều kiện về vốn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nên mấy năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã chuyển diện tích trồng cây cao su tiểu điền cho thu nhập bấp bênh sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới. Mô hình của gia đình anh Lê Hữu Hiện là một trong những hộ tiên phong trong cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, không chỉ cho năng suất cao mà sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn, rất có hiệu quả. Từ mô hình này, hiện nay đã có nhiều hội viên nông dân trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng./.
Ngọc Nhân