Không ít lần thất bại, phải tự tay cưa trắng hàng trăm gốc bơ không mang lại hiệu quả song anh nông dân trẻ Tạ Đức Tiến, thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh quyết không nản chí. Với sự quyết tâm, nhạy bén cùng chút mạo hiểm của tuổi trẻ, năm 2015, Tiến tiếp tục mạnh dạn đầu tư, đưa vào trồng thử bơ đặc sản 034 - giống bơ được đánh giá hoàn toàn mới, có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng. Sau 4 năm trồng và chăm sóc đến nay mô hình bơ 034 với trên 100 gốc của Anh đã phát triển hiệu quả trên vùng đất đỏ, đang bước vào thời kỳ thu hoạch năm đầu tiên, hứa hẹn mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Đây hiện là mô hình chuyên canh cây bơ 034 đầu tiên và duy nhất ở huyện Vĩnh Linh cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Anh Tạ Đức Tiến đang cần mẫn chăm sóc vườn cây bơ đặc sản giống 034 trong vụ đầu cho thu hoạch
Những ngày đầu bén duyên...
Dẫn chúng tôi tham quan vườn bơ 034 xanh ngát, trĩu quả, anh Tiến phấn khởi khoe: chỉ vài tháng nữa sẽ vào mùa thu hoạch và chắc chắn một vụ mùa bội thu. Tiến chia sẻ “Em xây dựng được mô hình bơ 034 này cũng lắm gian truân. Bắt đầu trồng bơ từ đầu những năm 2010, thử nghiệm trên 5 giống bơ bản địa nhưng thấy năng suất, chất lượng của các giống bơ vẫn thấp, mức thu lại hầu như chỉ bằng vốn đầu tư ban đầu. Mỗi lần như vậy em lại quyết định bỏ giống cũ, tìm giống mới. Nhiều lần cưa bỏ vườn bơ quá nên mọi người khuyên can, bảo nên giữ giống cũ hoặc chuyển sang trồng tiêu như các hộ dân trong vùng nhưng em quyết tâm theo đuổi cây bơ. Qua tìm hiểu, năm 2015 anh, Tiến biết đến giống bơ đặc sản 034 - một trong những giống bơ đầu dòng trong nước, còn có tên bơ sáp trái mùa, nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng, mẫu mã bắt mắt, trọng lượng từ 300- 800g/quả, hình dáng thon dài trung bình 25- 35 cm. Khi bơ chín da có màu xanh bóng, phần cơm vàng, hạt rất nhỏ, tỷ lệ thịt bơ chiếm tới 75-80%. Đặc biệt bơ có hương thơm, vị ngọt, béo ngậy đặc trưng nên được thị trường rất ưa chuộng. Sau nhiều suy tính, nhận thấy loài bơ này có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và đây có thể là cơ hội tạo ra thành công, anh Tiến tự mình tìm đến Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng học hỏi và mua hơn 300 chồi bơ ghép giống mới về quê cần mẫn tự ghép, tự trồng trong sự ái ngại của mọi người. Sẵn kiến thức tích lũy bao năm, hiểu rõ đặc tính cây bơ anh Tiến nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn bơ mới của chính mình.
Hân hoan mùa quả bói...
Sau 4 năm cất công tìm kiếm, đầu tư tiền của, nhân giống, trồng thử nghiệm, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, trên 100 gốc cây bơ ghép 034 của Tiến phát triển nhanh, phát huy tính trạng trội và giữ nguyên những đặc tính tốt từ cây đầu dòng. Năm 2018, qua 3 năm thấp thỏm chờ đợi, những cây bơ 034 bắt đầu ra hoa, đậu quả, cho quả bói. Tuy mới vụ đầu đậu quả nhưng tỷ lệ đóng quả rất cao, quả lớn đồng đều và đáng mừng nhất quả bơ từ cây ghép hoàn toàn đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, không khác gì từ cây bơ mẹ, nhiều quả nặng đến gần 1kg, dài 30cm. Khi được hỏi thâm canh bơ ghép 034 có khó không? anh Tiến cho hay: “Dễ hơn so với các loại bơ khác nhiều. Cây bơ 034 ít bệnh, không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng lượng nhỏ phân bón hữu cơ vi sinh. Nhờ đó, không chỉ liên tục tăng sản lượng, mà còn đạt chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị, chất lượng, năng lực cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác đầu tư chi phí thấp hơn, thời gian cho quả ngắn, chỉ từ 3- 4 năm, không như bơ thường phải mất 5- 6 năm. Thêm một điểm cộng cho giống bơ này là quả chín vào tầm tháng 7- 8 hằng năm, tức là trước mùa mưa bão miền Trung, do đó tránh hẳn rủi ro về thiên tai trong quá trình sản xuất”. Mùa bơ năm 2019 này, mô hình bơ 4 năm tuổi của anh Tiến chính thức cho vụ thu hoạch đầu tiên. Theo tìm hiểu, trung bình mỗi cây bơ 034 trong giai đoạn đầu kinh doanh đạt 60- 80 kg quả, với giá bán tại vườn dao động từ 100.000- 120.000 đồng/kg, mỗi cây bơ 034 của vụ đầu thu về ít nhất gần 10 triệu đồng. Như vậy toàn bộ diện tích với 100 gốc bơ 034 của Tiến dự kiến có thể đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nếu so sánh với giống bơ bản địa thì cây bơ 034 đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 10 lần. Và càng phát triển, mỗi cây bơ trưởng thành cho thu hoạch vài tạ đến cả tấn quả, khi đó nguồn thu sẽ càng tăng lên. “Mặc dù giá thành tương đối cao nhưng bơ 034 hiện được đánh giá thơm ngon số một, ngoài cung cấp thực phẩm, bơ 034 như một nguyên liệu quý của công nghệ sản xuất mỹ phẩm, thuốc bổ nên nguồn cung không đủ cầu, không lo về thị trường tiêu thụ, thường sẽ được các thương lái, siêu thị đặt mua tại vườn, có thời điểm khan hàng vào đầu hoặc cuối vụ, giá bán lên đến 150- 180 ngàn/ kg”, anh Tiến cho biết thêm.
Hứa hẹn những mùa vui...
Không chỉ tiên phong đưa bơ đặc sản 034 vào khảo nghiệm, sản xuất mà gần 5 năm trở lại đây, anh Tiến còn tự nghiên cứu, thu chồi ghép cành, nhân giống bơ 034 tạo ra thế hệ bơ mới rút ngắn thời gian cho quả từ 4 năm xuống còn 3, thậm chí 2 năm để bán ra thị trường. Đối chứng với những giống bơ truyền thống được canh tác hàng chục năm qua, mô hình bơ đặc sản 034 của anh nông dân sản xuất giỏi. Tạ Đức Tiến được nhiều người biết đến, tìm mua nguồn giống. Với thị trường tiêu thụ rộng, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Gia Lai, Đắk Lắc, mỗi năm, cùng với cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả, vườn ươm tổng hợp Bảo Nguyên của anh Tiến bán ra hơn 1 vạn bơ giống các loại đem về thu nhập hơn 300 triệu đồng. Tiến cũng sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật trồng sao cho tỷ lệ sống cao, quy trình chăm sóc cây bơ đạt hiệu quả… giúp những nhà nông gắn bó với nông nghiệp muốn thâm canh cây bơ có thể yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập. Đánh giá về mô hình bơ 034 cũng như vườn ươm của ông chủ trẻ Tạ Đức Tiến, bà Lê Thị Thúy Kiều- Phó Phòng NN& PTNN huyện Vĩnh Linh khẳng định: ‘Anh Tiến là một nông dân điển hình về mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời đã mở ra hướng đi mới trên cơ sở khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển …”.
Xác định quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp lâu dài và bền bĩ, từ những thành công ban đầu, hiện ngoài vừa trồng vừa nghiên cứu ghép giống mới, mở rộng diện tích trồng bơ, Tiến còn khảo nghiệm, dự kiến đưa vào sản xuất một số giống cây trồng mới. Tin tưởng với niềm đam mê chinh phục, chàng trai Tạ Đức Tiến sẽ sớm chạm đến những thành công mới như đã thành công với giống bơ đặc sản 034. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nguời trẻ bản lĩnh, không ngừng nỗ lực theo đuổi ước mơ trên con đường phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng từ chính đồng đất quê hương./.
Nguyễn Trang