Mứt gừng Mỹ Chánh vào vụ tết

Thứ ba - 15/01/2019 01:56 91 0
Như thường lệ, cứ đến cuối tháng 11 âm lịch, làng mứt gừng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) lại bắt đầu đỏ lửa sản xuất những mẻ mứt gừng thơm ngon theo phương thức truyền thống để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, tuy chỉ làm trong vòng hơn 1 tháng nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, người làm mứt gừng ở đây luôn tuân thủ tiêu chí gắn giá trị kinh tế với công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mứt gừng Mỹ Chánh vào vụ tết

Như thường lệ, cứ đến cuối tháng 11 âm lịch, làng mứt gừng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) lại bắt đầu đỏ lửa sản xuất những mẻ mứt gừng thơm ngon theo phương thức truyền thống để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, tuy chỉ làm trong vòng hơn 1 tháng nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, người làm mứt gừng ở đây luôn tuân thủ tiêu chí gắn giá trị kinh tế với công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Miệt mài làm mứt gừng ở Mỹ Chánh

Đến làng Mỹ Chánh vào thời điểm này, chúng ta dễ dàng cảm nhận được mùi gừng cay cay, thơm dịu bủa vây mọi ngã đường. Ghé vào lò mứt gừng của ông Hồ Văn Tuấn, hộ sản xuất mứt gừng lớn nhất của làng với hơn 500 kg mứt gừng ra lò mỗi ngày, đập vào mắt chúng tôi là những bao gừng củ tươi, những bao than củi chất đầy từ cổng vào nhà. Bên trong xưởng, chừng 50 nhân công đang chăm chú làm công việc của mình. Người gọt vỏ gừng, người rửa gừng, người cắt gừng, người ngào gừng, người đóng gói… Trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn cho biết, đã thành thông lệ, cứ vào khoảng 20/11 âm lịch, gia đình ông lại bắt tay vào sản xuất mứt gừng để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Đây là nghề truyền thống của gia đình ông từ bao đời nay. Để đảm bảo chất lượng mứt gừng, đáp ứng được khẩu vị của người tiêu dùng, ngay từ đầu năm, ông đã liên hệ các đầu mối cung cấp gừng có chất lượng tại các tỉnh Tây Nguyên.

Theo ông Tuấn, để sản xuất ra 1 kg mứt gừng cần có 1 kg gừng củ tươi, 1 kg đường cát trắng và được chế biến theo đúng quy trình. Trước hết cần phải chuẩn bị củ gừng to đều, không quá già nhưng cũng không được non quá. Sau đó gọt vỏ, xắt lát mỏng, đem rửa sạch luộc với nước chanh và giấm rồi xả sạch bằng nước lạnh để giữ được màu đặc trưng. Cuối cùng là ngào với đường trên chảo nóng trong khoảng 30 phút, sau đó để nguội lát mứt rồi đóng vào bao nilon. Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, bên cạnh các bạn hàng truyền thống, ông còn tận dụng mạng xã hội facebook để quảng bá sản phẩm mứt gừng của mình đến đông đảo người tiêu dùng trong cả nước. Ông Tuấn chia sẻ: “Vụ tết năm ngoái gia đình tôi sản xuất hơn 12 tấn mứt gừng, còn năm nay dự kiến sẽ sản xuất khoảng 20 tấn. Giá bán năm nay cũng có nhích lên, khoảng 50.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình tôi có lãi khoảng 80 triệu đồng. Không những tạo thu nhập cho gia đình, trong hơn một tháng sản xuất cao điểm này, cơ sở sản xuất mứt gừng của tôi còn tạo thu nhập trung bình 150.000 đồng/ người/ngày cho các nhân công”.

Theo ông Tuấn, bí quyết để làm ra lát mứt gừng có màu sáng đẹp, cay nồng nhưng lại có vị dịu nhẹ là củ gừng được lấy từ các tỉnh Tây Nguyên do gừng trồng ở đây có hàm lượng tinh dầu cao, cho vị cay nồng nhưng lại không hăng như trồng ở các nơi khác. Trong suốt quá trình ngào với đường, người đứng bếp yêu cầu phải tập trung cao độ, không được để lửa lớn quá bởi sẽ gây cháy đường, cũng không được thấp quá khiến đường không kết tinh trên gừng được, mà phải đủ nóng để đường và gừng hòa quyện vào nhau. Ngay cả công đoạn bào gừng thành lát cũng đòi hỏi người thợ có tay nghề, đảm bảo lát gừng to, dài, đẹp mắt.

Theo ông Bùi Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh là nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời, ban đầu chủ yếu để phục vụ trong gia đình, dần dà về sau, mứt gừng Mỹ Chánh được bán ở chợ huyện, chợ tỉnh rồi nức tiếng khắp miền Trung, trở thành món đặc sản ngày tết được nhiều người biết đến. Ngày trước, việc làm mứt diễn ra trong từng hộ gia đình nhỏ lẻ, ngày nay, các cơ sở làm mứt đã mở rộng quy mô với sự tham gia từ 5 - 10 nhân công, cá biệt có những hộ có từ 30 - 50 nhân công. Bình quân mỗi ngày, mỗi cơ sở sản xuất từ 1 - 5 tạ mứt thành phẩm, cao điểm có cơ sở sản xuất được gần 1 tấn. Theo ước tính, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 này, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh sản xuất khoảng 80 tấn mứt gừng. Với giá bán sỉ mứt gừng trên thị trường khoảng 50.000 đồng/kg, mứt loại 1 có giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg thì tổng thu nhập của cả làng đạt khoảng 3,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân lúc nông nhàn, bình quân một ngày của người dân đi làm mứt gừng đạt từ 100.000 - 150.000 đồng, những người tay nghề cao còn được trả từ 200.000 - 300.000 đồng.

Mứt gừng Mỹ Chánh nổi tiếng thơm, cay nồng, màu gừng tự nhiên không tẩy trắng nên rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng trong dịp tết. Để giữ vững thương hiệu và nghề truyền thống của mình, người dân ở làng Mỹ Chánh luôn sản xuất nguồn hàng đạt chất lượng. Ông Bùi Văn Sinh cho biết thêm, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, người dân mới tạo được chỗ đứng cho mứt gừng Mỹ Chánh trên thị trường. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà mứt gừng Mỹ Chánh còn vươn tới các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Vào vụ, nghề làm mứt gừng đã tạo việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương. Nên để giữ được thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh, bên cạnh hương ước của làng nghề, ngay từ đầu vụ, UBND xã đã tổ chức họp các hộ làm mứt gừng, ký cam kết không sử dụng hóa chất trong chế biến, tất cả các công đoạn sản xuất đều được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác… Hộ nào vi phạm sẽ không được tiếp tục sản xuất. Song song với đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường chỉ đạo các hộ tích cực sản xuất đồng bộ, thực hiện theo quy định nhãn mác của mình đã được đăng ký để đưa ra thị trường bán vào dịp tết. Theo kế hoạch thì trong tương lai, các cơ sở làm mứt sẽ được quy hoạch vào Cụm công nghiệp Hải Lăng để đảm bảo vệ sinh, quy mô. UBND xã Hải Chánh cũng đang phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh hoàn tất các thủ tục để được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận bảo hộ thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động làng nghề mứt gừng giữ vững chất lượng, thương hiệu đã dày công tạo dựng; xây dựng vùng trồng gừng tập trung để tạo nguyên liệu tại chỗ. Đồng thời kiến nghị với các ban, ngành cấp trên có chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do nước thải trong các công đoạn sản xuất mứt gừng gây ra”, ông Sinh nói.

Vào những ngày này, các hộ sản xuất mứt gừng ở Mỹ Chánh đang hối hả ngày đêm sản xuất để kịp giao hàng trong dịp tết. Công việc rất bận rộn, khẩn trương, nhưng ai cũng thấy phấn khởi vì mứt năm nay đang bán chạy, được giá, dự báo một cái tết sung túc, đầm ấm hơn./.

baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay10,791
  • Tháng hiện tại168,445
  • Tổng lượt truy cập2,310,741
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây