Vùng cát ven biển huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị có 9000 ha, chiếm trên 20% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, đây là tiềm năng khá lớn để phát triển kinh tế nâng cao đời sống của nhân dân. Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ, các Chương trình dự án đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Nhờ vậy mà vùng cát hoang hóa này đang từng bước được đánh thức. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả.
Mô hình gia trại tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ và chị Lê Thị Bướm ở thôn 7 xã Triệu Vân là một trong những điển hình kinh tế vùng cát hiện nay.
Mô hình gia trại tổng hợp của gia đình chị Lê Thị Bướm ở thôn 7 xã Triệu Vân
Theo lời giới thiệu của cán bộ khuyến nông xã Triệu Vân, chúng tôi đến thôn 7 còn gọi là khu dãn dân vùng cát với nhiều mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao. Gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ và chị Lê Thị Bướm, một trong những hộ di dãn dân ra vùng cát sinh sống đầu tiên theo chủ trương của nhà nước. Nhìn mô hình gia trại tổng hợp với quy mô khá lớn, chúng tôi hiểu rằng vùng đất cát vốn xưa nay hoang hóa bạc màu đang từng ngày được thay da đổi thịt nhờ những bàn tay và khối óc dám nghĩ, dám làm như anh chị.
Theo như lời chị Bướm, hồi đầu mới ra đây lập nghiệp gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Ngoài sản xuất nông nghiệp, hai vợ chồng cũng bươn chải nhiều nghề song vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Với gần 2 ha đất cát và 10 triệu đồng do chính quyền hỗ trợ, trồng cây gì, nuôi con gì để có thể phát triển kinh tế lâu dài, bền vững là niềm trăn trở lớn của anh chị khi tìm kế khởi nghiệp trên vùng đất mới. Bằng quyết tâm làm giàu từ chính đôi bàn tay và tiềm năng đất đai sẵn có, với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, anh chị đã từng bước phát triển chăn nuôi sản xuất. Mỗi năm, chị nuôi 1300 con gà, trên 300 con vịt, gần 300 con ngan và 200 con heo. Để chủ động nguồn giống chăn nuôi, anh chị bàn nhau đầu tư thêm máy ấp trứng. Ngoaì ra, tận dụng diện tích đất đai rộng lớn, anh chị đào ao thả cá, trồng các loại cây rau màu thích ứng với vùng cát như mướp đắng, đậu đen, ném… Qua gần 10 năm lập nghiệp, anh chị đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp đa cây, đa con mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển chăn nuôi hiện nay, chị Lê Thị Bướm cho biết:“Mong muốn của gia đình tôi cũng như các hộ chăn nuôi khác trên địa bà xã là có được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để giúp bà con nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế một cách bền vững…”
Nhờ mạnh dạn ra vùng kinh tế mới phát triển sản xuất nên cuộc sống gia đình anh chị dần khấm khá, có điều kiện chăm lo cho các con học hành và mua sắm tiện nghị phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Dự định trong thời gian tới, gia đình chị sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô gia trại của mình với nhiều loại con nuôi, cây trồng mới phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu vùng cát của địa phương.
Cảnh Thu - Kim Thoa