Sự cố ô nhiễm môi trường biển đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân vùng biển tại 16 xã, thị trấn của 4 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) với tổng cộng hơn 13.400 hộ, có gần 64.000 nhân khẩu có cuộc sống liên quan đến vùng biển từ khai thác, chế biến thủy hải sản cho đến du lịch dịch vụ. Ngay sau khi sự cố xảy ra, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt và tìm biện pháp tạo sinh kế bền vững lâu dài. Trước khó khăn đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị vừa quyết định điều động 32 kỹ sư nông nghiệp về tăng cường giúp chính quyền và nhân dân 16 xã vùng biển hướng dẫn chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Đây là một quyết định đúng đắn và là một trong những giải pháp cơ bản giúp phát triển sinh kế cho ngư dân vùng biển một cách hiệu quả và bền vững.
Phát triển chăn nuôi lợn trên vùng cát ven biển
Đồng chí Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Người dân vùng biển của tỉnh hiện cần nhiều sự giúp đỡ để chuyển đổi sản xuất, phát triển sinh kế. Vì thế, cùng với các chính sách hỗ trợ khác của nhà nước, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số392/QĐ-SNN cử cán bộ, kỹ sư nông nghiệp tăng cường về giúp chính quyền và nhân dân chuyển đổi sản xuất, phát triển sinh kế đối với 16 xã, thị trấn vùng biển bị ảnh hưởng sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Đây là những cán bộ, kỹ sư trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, có trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm và tâm huyết với người dân vùng biển được điều động tăng cường cho các xã vùng biển. Người nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được nâng lương trước thời hạn. Đội ngũ này trước khi tăng cường đã được tập huấn kỹ càng”.
Trước mắt, nhiệm vụ của các cán bộ, kỹ sư là phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện công tác kê khai, xác định thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển gây ra; tư vấn, triển khai các đề án sinh kế, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ KHKT, các mô hình chuyển đổi về chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; tổ chức tuyên truyền về cách khắc phục ô nhiễm môi trường biển, cách sử dụng thủy, hải sản an toàn để nâng cao nhận thức cho ngư dân và người tiêu dùng nhằm động viên ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, phát triển sản xuất. Những cán bộ, kỹ sư này về cơ sở làm việc trực tiếp với chính quyền và người dân 16 xã, thị trấn vùng biển của tỉnh bắt đầu từ ngày 1/9/2016 với khoảng 40% thời gian làm việc công chức. Về lâu dài, các cán bộ, kỹ sư này sẽ tham mưu giúp UBND các xã, thị trấn khảo sát thực tế, rà soát, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đề án mở rộng và hình thành các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi tập trung, phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp với nuôi trồng, khai thác hải sản và dịch vụ. Đồng thời mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, hướng dẫn người dân xây dựng mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với từng địa phương, chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang áp dụng nông nghiệp công nghệ cao nâng cao hiệu quả sản xuất.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, Thạc sĩ trồng trọt, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, thông tin và thị trường, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được cử về phụ trách địa bàn thôn Hà Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong cho biết: “Tôi được cử về cơ sở là để giúp ngư dân phát triển sản xuất nông nghiệp có đầu tư chuyên sâu và hiệu quả. Trước mắt tôi đang giúp xã thống kê thiệt hại của ngư dân do sự cố ô nhiễm môi trường biển, sau này tôi sẽ cùng với Đảng ủy, chính quyền xã xây dựng đề án chăn nuôi, trồng trọt để vận động nhân dân thực hiện. Trong quá trình triển khai tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân sản xuất. Mỗi tuần tôi sẽ về thôn Hà Độ 2 ngày nhằm giúp người dân nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, lựa chọn cây trồng, nuôi con phù hợp với vùng đất và thị trường, để người dân có bước phát triển nông nghiệp vững chắc hơn”.
Việc Sở Nông nghiệp và PTNT cử cán bộ, kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng biển đã mang lại nhiều kỳ vọng cho chính quyền địa phương và người dân vùng biển. Chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong cho biết: “Người dân vùng biển chịu khó, cần cù nhưng lâu nay vốn quen đánh bắt trên biển, việc trồng trọt, chăn nuôi ít hiểu biết nên khi chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật. Nay được cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng, cung cấp thông tin về thị trường và tư vấn cho người dân nên sản xuất, chăn nuôi cây, con gì cho phù hợp, tôi tin chắc rằng ngư dân sẽ làm tốt sản xuất trồng trọt chăn nuôi bên cạnh việc củng cố sản xuất nghề biển”.
Cùng với việc thực hiện chính sách giãn nợ, khoanh nợ, cho vay vốn ưu đãi, các xã ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển được hỗ trợ mỗi xã 200 triệu đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới và 200 triệu đồng để xây dựng mô hình điểm trước khi nhân rộng. Việc đưa cán bộ, kỹ sư về cơ sở để hướng dẫn người dân sản xuất, chăn nuôi sẽ góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương hỗ trợ cho người dân ven biển các nguồn vốn phát triển sản xuất. Việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế bền vững cho người dân các xã ven biển trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất ở vùng biển, nâng cao hiệu quả kinh tế và làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng biển.
baoquangtri.vn