Hiện nay đang là thời điểm nuôi tôm chính vụ của năm 2017 vì vậy hầu hết diện tích mặt nước đã được người nông dân thả tôm nuôi. Tuy nhiên sau gần 2 tháng thả nuôi tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đang diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.
Lấy mẫu kiểm tra tôm nuôi bị bệnh
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh cho biết: Tính đến thời điểm này dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra ở 15 xã, thị trấn gồm Vĩnh Thái, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh); Trung Giang, Trung Hải, Gio Mai, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh); Triệu An, Triệu Vân, Triệu Phước, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) và Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng) với tổng diện tích bị bệnh là 90,37 ha.
Đặc biệt trong đó 2 xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) và Triệu An (huyện Triệu Phong) diện tích bị bệnh chiếm gần 30% diện tích thả nuôi. Các loại bệnh xảy ra là bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh Đốm trắng, trong đó chủ yếu là bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính với 89,58 ha, bệnh Đốm trắng 0,79 ha.
Với tính chất nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh, Chi cục CN&TY tỉnh đã cấp hơn 27 tấn hóa chất Chloril cho các hộ nuôi tôm để xử lý dập dịch. Diện tích được xử lý đến thời điểm hiện tại là 66,53 ha, diện tích còn lại đang tiến hành xét nghiệm và làm thủ tục nhận hóa chất hỗ trợ.
Theo ông Lê Quang Ánh, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh, nguyên nhân dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp là do cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ, con giống thả nuôi không có nguồn gốc rõ ràng cùng với sự biến động thất thường của thời tiết. Để ổn định tình hình nuôi và ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh, ông Ánh cũng đề nghị các hộ nuôi tôm cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật, có ý thức cộng đồng, khi tôm bị bệnh không được tháo nước ra bên ngoài khi chưa qua xử lý đúng theo yêu cầu kỹ thuật.
Đồng thời phải báo ngay cho các hộ nuôi tôm trong vùng, chính quyền địa phương, Trạm CN&TY huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Với những hộ nuôi đã được cấp hóa chất xử lý dập dịch cần thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật để diệt hết mầm bệnh trong ao nuôi; những ao chưa bị bệnh cần dùng lưới rào chắn quanh ao, rãi vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao, phải xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi.
Với những ao nuôi bị bệnh đã được xử lý thì chưa tiến hành thả nuôi lại khi các ao nuôi xung quanh đang có tôm bị bệnh chết; giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng và có giấy kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Baoquangtri.vn