Sự cố cá biển chết hàng loạt vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nông dân các vùng ven biển huyện Hải Lăng và xã Hải Khê nói riêng. Nơi đây, đã bao đời nay ngư dân ra khơi bám biển, bây giờ cá tôm đánh bắt được cũng rất khó tiêu thụ, hơn nữa giá thành lại thấp, khó khăn lại chồng chất khó khăn…
Đồng chí Nguyễn Đán, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, trao đổi kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt với chị Nguyễn Thị Gái, nông dân xã Hải Khê
Theo đồng chí Trần Thanh Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Khê cho biết, toàn xã có 262 thuyền máy, 76 chiếc thuyền chèo với trên 750 người lao động trên biển, có trên 1.500 lao động làm nghề kinh doanh dịch vụ nghề cá, du lịch bãi biển và lao động khác… trong đó chủ yếu là hội viên nông dân. Sản lượng bình quân 1 tháng đánh bắt được từ 300 – 350 tấn cá, mực, nên đời sống của bà con đã ổn định từ bao đời nay, nhiều gia đình ngư dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp. Do sự cố cá chết ước tính thiệt hại mỗi ngày từ 150 - 200 triệu đồng.
Trước tình hình đó, Hội Nông dân tỉnh đã bám sát chủ trương của Chính phủ, của tỉnh, đã chỉ đạo các cấp Hội bám sát cơ sở tìm các giải pháp hỗ trợ ngư dân ổn định sản xuất, đời sống, quyết tâm chuyển đổi ngành nghề, xây dựng gia trại, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt sản xuất hoa màu ngắn ngày để giải quyết những khó khăn trước mắt và ổn định cuộc sống lâu dài.
Mô hình chuyển đổi chăn nuôi lợn, vịt tổng hợp của gia đình anh Trương Sỹ Thanh, thôn Trung An xã Hải Khê
Trên cơ sở quy hoạch đất nông nghiệp của xã là 60 ha, chuyển đổi 21 ha trồng hoa màu: ném, lạc, dưa hấu, 20 ha xây dựng khu chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường, toàn xã có 22 ha nuôi trồng thủy sản, có 45 hộ nuôi bò với 281 con, 80 hộ chăn nuôi lợn với 1600 - 2000 con/lứa, một số hộ vẫn giữ nghề câu mực và đánh bắt hải sản ven bờ và các ngành nghè khác.
Gia đình chị Nguyễn Thị Gái, thôn Thâm Khê xã Hải Khê đã mạnh dạn chuyển đổi nghề bằng cách xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt trong bể xi măng, gồm các loại cá như cá lóc, cá trê vàng lai, cá rô đầu vuông, dùng thức ăn tự chế biến sẳn có ở địa phương. Hiện nay gia đình chị có 13 bể nuôi cá sản lượng mỗi năm từ 3- 3,5 tấn, doanh thu từ 150 – 200 triệu đồng, giải quyết được 02 lao động trong gia đình.
Gia đình anh Trương Sỹ Thanh, thôn Trung An, xã Hải Khê, sau khi cá chết anh mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, vịt với quy mô 30 con/ lứa, tạo việc làm cho vợ con trong gia đình… Để bà con nông dân chuyển đổi nghề, các cấp Hội tích cực tuyên truyền vận động, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Với các chính sách ưu tiên, hỗ trợ của các cấp chính quyền hiện nay toàn xã đã có trên 100 hộ đăng ký chuyển đổi nghề bằng hình thức chăn nuôi, 19 hộ đăng ký xây dựng mô hình nuôi các nước ngọt một số hộ khác trồng cây hoa màu trên đất cát…
Để việc chuyển đổi sinh kế cho bà con mang lại hiệu quả thiết thực, bà con ngư dân mong muốn Nhà nước cần hỗ trợ cây, con giống và mở các lớp tập huấn, dạy nghề về chăn nuôi, trồng trọt vì trước đây dân chỉ biết làm biển, chưa quan tâm nhiều đến chăn nuôi, trồng trọt, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, giúp bà con yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó các cấp Hội cần động viên bà con mạnh dạn tham gia cải hoán và đóng mới tàu thuyền công suất lớn để đánh bắt xa bờ, vươn khơi bám biển, mang lại hiệu qủa kinh tế ổn định đời sống, bảo vệ biển đảo quê hương./.
Nguyễn Đán