Để chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh, dịch vụ giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ngày 02/6/2016, đồng chí Lê Phúc Thiện, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã đi kiểm tra một số mô hình sản xuất có hiệu quả tại huyện Cam Lộ. Cùng đi với đoàn có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế xã hội, Thường trực Hội Nông dân huyện Cam Lộ và các đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở.
Đồng chí Lê Phúc Thiện, TUV, Chủ tịch Hội ND tỉnh trao đổi với chủ cơ sở sản xuất cao Thanh Nga
Tại làng nghề “Cao lá vằng” thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, đoàn đến thăm hộ gia đình chị Lê Thị Lan, một hội viên nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng và nấu cao lá vằng trên 10 năm, gia đình chị đã trồng cây lá vằng trong vườn, tuy nhiên diện tích còn nhỏ nên đến nay gia đình chị cùng bà con trong thôn đang tập trung trồng thêm 4 ha để làm nguyên liệu đầu vào. Thăm cơ sở sản xuất Thanh Nga chuyên sản xuất các loai cao thuốc nam như cao lá vằng: bổ máu, mát gan, giải nhiệt, ngủ ngon, tiêu hóa tốt, điều hòa khí huyết, cao chó đẻ: hạ men gan, giảm mỡ máu, viêm gan … ; cao hà thủ ô: đen tóc, đẹp da, cao lá đung: trị đường ruột, cao lạc tiên: chống mất ngủ, suy nhược cơ thể…
Mô hình trồng cây lá vằng của chị Lê Thị Lan, thôn Nghĩa Phong, xã Cam nghĩa
Chị Lan cho biết nghề nấu cao lá vằng cũng vất vả như những nghề khác, đó là nguyên liệu đầu vào ngày càng khó khăn, nguồn khai thác từ tự nhiên ngày càng cạn kiệt và phải đi xa mới khai thác được, diện tích đất trồng lá vằng tại địa phương còn ít, nên bà con gặp nhiều khó khăn trong khâu chuẩn bị nguyên liệu, mặt khác nấu cao là một quy trình đun nấu gần lửa suốt ngày, tốn nhiều củi, công sức và hơi nóng nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em. Tuy nhiên, nghề nấu cao lá vằng đã mang lại việc làm và thu nhập cho bà con ổn định cuộc sống nên bà con gắn bó lâu dài và phát triển thành thương hiệu để mở rộng thị trường trong nước.
Mô hình trồng cây cà gai leo của anh Lê Quang Lưu, thôn Tân Xuân, xã Cam Thủy
Tại xã Cam Thủy, đoàn đến thăm mô hình trồng cây cà gai leo của ông Lê Quang Lưu, thôn Tân Xuân với diện tích 4 ha, đây là mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động nguồn nước tưới tiết kiệm với phương pháp phủ nilon, sử dụng các biện pháp sinh học trong trồng trọt, do vậy tuy mới trồng cây 6 tháng nhưng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, chu kỳ tiếp theo là sau 03 tháng thu hoạch 01 lần. Công dụng của cà gai leo: làm mát gan, giải độc gan, hạ men gan, giải rượu…. Với 01 kg khô giá bán 80.000đồng dùng nấu nước uống, khi sản lượng nhiều sẽ nấu cao để cung cấp cho thị trường, có thể nói đây là mô hình đầy triển vọng.
Trao đổi với các hộ nông dân sản xuất giỏi, đồng chí Chủ tịch chia sẽ những khó khăn của bà con nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề, đề nghị bà con liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Mặt khác cần phải đa dạng hóa các loại sản phẩm, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng, có thể sản xuất trà lá vằng, trà cà gai leo….
Với lợi thế là một huyện trung du, trong những năm qua Hội Nông dân Cam Lộ đã chủ động xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của huyện được hội viên nông dân hưởng ứng tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, xây dựng nông thôn mới./.
Nguyễn Đán