Ngày 5.1.2019, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Phạm Đức Châu chủ trì hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 của Ban chỉ đạo và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Cùng dự hội nghị có Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Châu đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể luôn chú trọng công tác phối hợp trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở…
Năm 2018, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đã quan tâm, nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; vận dụng sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt dân chủ trong giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân. Công tác cải cách hành chính ở các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp đã có nhiều bước tiến theo hướng kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Công tác phối hợp thực hiện dân chủ giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có hiệu quả thực chất hơn. Vai trò tự quản của cộng đồng dân cư ngày càng được đề cao. Các tầng lớp nhân dân đã phát huy dân chủ, đồng thuận, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chính quyền một số nơi chưa làm tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên quy trình, thủ tục để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Tình trạng tranh chấp địa giới hành chính, đất đai ở các xã chưa được giải quyết dứt điểm...
Năm 2019, Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh tiếp tục quán triệt, phổ biến, triển khai sâu rộng Kết luận số 120-KL/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng các cấp về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, trong đó chú trọng tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở cơ sở thuộc phạm vi, lĩnh vực phân công phụ trách.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc triển khai chương trình hành động, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị liên quan. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm của chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp tục chỉ đạo, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Quan tâm công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Phạm Đức Châu biểu dương, ghi nhận kết quả đạt được trong việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn trong thời gian qua. Điều đáng ghi nhận là dân chủ trên địa bàn ngày càng mở rộng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm, nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luạt của Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các tầng lớp nhân dân phát huy tốt dân chủ, nêu cao ý thức, trách nhiệm.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Châu cũng chỉ ra một số điểm tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Châu đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, nhất là những người đứng đầu cần nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan đến việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; luôn tôn trọng nhân dân, quan tâm đến đời sống của người dân; làm tốt công tác phối hợp trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở…
Theo Báo Quảng Trị