“Chưa có vụ nào lúa đạt năng suất cao như vụ này và cũng chưa vụ nào giá lúa bán lại cao như vụ này”, đó là nhận định của hầu hết nông dân trồng lúa vụ đông xuân 2017 - 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Những ngày này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung thu hoạch lúa vụ đông xuân. Năm nay, nông dân rất phấn khởi khi xuống vụ bởi năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay, giá bán cũng cao hơn nhiều so với mọi năm.
Lúa thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó |
Đang đứng chờ chiếc máy gặt đập liên hợp cắt nốt những thửa ruộng cuối cùng, ông Lê Hải Đường ở tại HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh cho biết, vụ đông xuân năm nay gia đình ông gieo trồng gần 5 mẫu lúa, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao như HC 95, Bắc Thơm 7, năng suất đạt gần 3 tạ/sào. Với giá bán hiện nay khoảng 8.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, tính ra vụ này ông thu được hơn 30 triệu đồng. “Hơn 20 năm làm lúa, chưa có vụ nào tôi đạt lợi nhuận cao như thế. Những năm trước, lãi cao lắm cũng chỉ khoảng 10 - 15 triệu đồng”, ông Đường cho hay.
Còn tại HTX Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm, chỉ tay về những thửa ruộng mới thu hoạch xong, ông Lê Trọng Kim, thành viên Hội đồng quản trị HTX Lâm Cao cho biết, toàn bộ 67 ha trồng lúa của HTX đều được mùa, năng suất bình quân toàn HTX đạt 58 tạ/ha, cá biệt có một số hộ xã viên chăm sóc tốt, năng suất còn lên đến trên 63 tạ/ha. Với giá bán bình quân các giống lúa chất lượng cao như HC 95, P6, HN 6… từ 6.000 - 8.000 đồng/kg thì tính ra mỗi sào nông dân thu lãi từ 400 - 500 ngàn đồng.
Theo ông Ngô Toàn Thắng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh, vụ đông xuân năm nay toàn huyện Vĩnh Linh gieo cấy gần 4.000 ha lúa. Đầu vụ thời tiết diễn biến không thuận lợi, mưa lớn kèm theo rét kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình làm đất cũng như xuống giống của nông dân. Tuy nhiên nhờ có kế hoạch cụ thể, bám sát khung lịch thời vụ nên huyện Vĩnh Linh vẫn hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân. Hiện nông dân đang tập trung thu hoạch lúa vụ đông xuân, năng suất bình quân toàn huyện đạt 55 tạ/ha. Điều đáng mừng là giá các loại lúa đang ở mức cao so với mọi năm nên nông dân rất phấn khởi.
Tại huyện Hải Lăng, nơi được xem là “vựa lúa” của tỉnh với diện tích hơn 6.800 ha, năng suất lúa vụ đông xuân năm nay đạt rất cao 63 tạ/ha. Những ngày này đi dọc theo tuyến đường tránh lũ từ xã Hải Thọ đến Hải Thành, Hải Dương, Hải Quế… khắp nơi tấp nập cảnh người dân phơi lúa, cân lúa bán cho thương lái. Ông Nguyễn Sắc ở tại HTX Thọ Nam, xã Hải Thọ cho biết, gia đình ông thu hoạch xong hơn 12 sào lúa giống Khang dân, thu về hơn 4 tấn lúa. Với giá bán tại chỗ từ 5.900 - 6.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi hơn 15 triệu đồng. “Từ khi có tuyến đường tránh lũ này nông dân chúng tôi rất được nhờ. Lúa gặt xong đưa lên phơi khoảng 1 nắng là có thương lái đến thu mua ngay tại chỗ”, ông Sắc cho hay.
Cũng có lãi cao trong vụ đông xuân năm nay, ông Nguyễn Xuân Bắc ở tại HTX Kim Giao, xã Hải Dương chia sẻ, ông vừa bán xong 1,4 ha lúa Khang dân với giá 5.800 đồng/kg. Sau khi cộng sổ và tính tiền với thương lái xong, ông thấy chưa có năm nào vừa được mùa vừa được giá như năm nay. Năng suất đạt gần 80 tạ/ha. Hạt lúa chắc, sáng đẹp. Đặc biệt lúa thu hoạch xong đến đâu là có thương lái chờ sẵn thu mua đến đó. Ở vùng này người canh tác thấp lắm cũng đạt 2,5 - 3 tạ/sào, còn được mùa thì phải từ 3,5 - 4 tạ/sào. Với 1,4 ha lúa, sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 30 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sĩ Phú, Chủ tịch UBND xã Hải Thành cho biết, từ khi có tuyến đường tránh lũ đi qua địa bàn xã thì người nông dân gặp rất nhiều thuận lợi trong việc thu hoạch lúa. Theo ông Phú, trước đây nhà nào rộng lắm thì cũng chỉ có 1 khoảng sân rộng vài chục mét vuông, mỗi lần phơi chỉ được khoảng vài tạ lúa. Thu hoạch về nhiều cũng chỉ biết chất đống để đó chứ không có chỗ phơi. Bây giờ người dân tận dụng phạm vi lộ giới của tuyến đường tránh lũ này để phơi, luôn chú ý để đảm bảo an toàn giao thông nên thu hoạch bao nhiêu, phơi xong bấy nhiêu. Do gần đường nên lúa cắt xong chỉ cần phơi khoảng 1 ngày là thương lái đưa xe tải tới thu mua hết. Vừa luôn tay cân lúa, đếm tiền để trả cho người dân, chị Nguyễn Thị Mai Trang ở xã Hải Dương vừa cho biết, từ đầu vụ đến nay, bình quân mỗi ngày chị thu mua gần 50 tấn lúa, nhập lại cho các đại lý ở thị xã Quảng Trị và Hà Nội. Theo chị Trang, có thể do năm nay xuất khẩu lúa gạo được nên giá thu mua đang ở mức cao. “Cùng kỳ năm ngoái 1 kg lúa chỉ khoảng từ 4.800 - 5.200 đồng. Trong khi năm nay đầu vụ đến nay giá lúa luôn đạt từ 5.700 đồng/kg trở lên”, chị Trang cho hay.
Cách đó không xa, đang cùng công nhân bốc lúa lên xe, ông Nguyễn Thuận, một thương lái thu mua lúa ở xã Hải Thọ cho biết, từ đầu vụ đến nay bình quân mỗi ngày ông thu mua khoảng 150 - 200 tấn lúa. Lúa thu mua về một phần được dự trữ trong kho, một phần được nhập ra cho các đầu mối thu mua ở Hà Nội. Ông Thuận thừa nhận từ khi có tuyến đường tránh lũ, công việc thu mua lúa của ông dễ dàng hơn. Thỏa thuận giá cả xong là xe tải vào tận nơi để bốc lúa lên xe. Không như trước đây phải dùng xe kéo hoặc xe công nông để đi thu gom từng nhà.Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện giá thu mua lúa cũng đang ở mức khá cao. Theo đó, giá lúa Khang dân từ 5.700 - 5.900 đồng/ kg; Ma Lâm 48, Thiên ưu 8 từ 6.000 - 6.500 đồng/kg; HC95 từ 7.000 - 7.500 đồng/kg… Đặc biệt là lúa thu hoạch tới đâu có thương lái đến thu mua tới đó.
Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy gần 26.000 ha lúa, trong đó lúa chất lượng cao đạt hơn 18.000 ha, chiếm 70% diện tích. Hiện nay các địa phương đang bước vào thu hoạch, tính tới thời điểm này toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 11.000 ha. Một số địa phương đạt năng suất cao như: Hải Lăng đạt 63 tạ/ha, Triệu Phong 58 tạ/ha, Cam Lộ 57 tạ/ha, Gio Linh 59 tạ/ha, Vĩnh Linh 56 tạ/ha…
Theo ông Hiền, vụ đông xuân năm nay đạt năng suất cao như vậy là do ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ như chú trọng bố trí lịch gieo cấy, đổi mới cơ cấu bộ giống bằng các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, quy hoạch vùng gắn với chuyển đổi giống lúa chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, triển khai các mô hình sản xuất lúa hữu cơ; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong gieo trồng và chăm sóc; liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, việc đẩy mạnh dồn điền đổi thửa tạo thành cánh đồng lớn để thuận lợi trong thâm canh tăng năng suất và áp dụng cơ giới vào đồng ruộng cũng góp phần đưa lại một vụ đông xuân thắng lợi.
baoquangtri.vn