Để cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, năm 2016 Huyện ủy Triệu Phong ban hành Nghị quyết số 02 “Về xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại giai đoạn 2016- 2020”. Theo đó, UBND huyện xây dựng Đề án 446 “Về xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại giai đoạn 2016- 2020” và Đề án 2061 “Về hỗ trợ phát triển một số mô hình sản xuất cây trồng, con nuôi giai đoạn 2017- 2020”. Từ đó đến nay, tỉnh và huyện hỗ trợ 1,406 tỷ đồng để xây dựng các mô hình kinh tế này. Cùng với đó, các ngành và địa phương đẩy mạnh quy hoạch vùng, lựa chọn mô hình, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Mô hình sen – cá ở xã Triệu Sơn cho hiệu quả kinh tế cao
Đối với xây dựng mô hình cánh đồng lớn, đến nay toàn huyện Triệu Phong triển khai sản xuất ở 43 hợp tác xã với diện tích 1.485 ha, trong đó lúa 1.470 ha, màu 15 ha (quy mô tập trung từ 30 ha/ cánh đồng đối với cây lúa, 5 ha trở lên đối với cây màu). Việc triển khai cánh đồng lớn đã thực hiện đồng bộ từ sản xuất một giống, một vùng, một thời gian, một quy trình, đưa các loại máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất, giảm công lao động, ứng dụng nguyên tắc 1 phải 5 giảm... đã góp phần giảm lượng giống gieo sạ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí, năng suất lúa trung bình hằng năm đạt từ 52- 54 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 5-7% so với thời gian trước. Trong sản xuất lúa canh tác tự nhiên đã sản xuất 32,5 ha tại 4 xã: Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch. Đây là mô hình sản xuất bằng phân bón hữu cơ, không sử dụng phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng các chất kích thích nên cho ra sản phẩm sạch, an toàn, năng suất lúa bình quân đạt 44 tạ/ha, thấp hơn hình thức canh tác thông thường 20- 25% nhưng giá bán sản phẩm cao hơn từ 3.000- 4.000 đồng/kg. Huyện Triệu Phong phối hợp với Công ty phân bón hữu cơ Ong Biển sản xuất lúa hữu cơ 20 ha ở xã Triệu Trung và xã Triệu Đại được doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm, đồng thời thực hiện bảo hiểm rủi ro sản xuất cho người dân.
Cùng với các biện pháp sản xuất mới trên cây lúa, huyện Triệu Phong đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 56 trang trại và 130 gia trại, trong đó đã cấp chứng chỉ cho 46 trang trại. Điểm nổi bật mô hình này là nhờ chăn nuôi với số lượng lớn, liên kết tiêu thụ sản phẩm, hoặc nuôi theo hình thức hợp đồng gia công bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả kinh tế cao. Ông Phạm Xuân Khiên, ở thôn Phú Áng, xã Triệu Giang cho biết: “Để thực hiện mô hình gia trại, cách đây hai năm ông đầu tư một số tiền lớn để xây dựng 52.000 m2 chuồng trại nuôi 100 con bò, trong đó 30 bò nái lai. Sau một năm, trừ chi phí lãi từ nuôi bò vỗ béo 70 con/lứa, mỗi lứa 3 tháng và mỗi năm nuôi được 3 lứa thu về hơn 1 tỷ đồng, tiền thu từ nuôi bò sinh sản hơn 1,1 tỷ đồng. Ông Khiên cho biết thêm, hiệu quả mô hình nuôi bò vỗ béo, nhất là bò lai đã làm thay đổi cách nghĩ trong chăn nuôi của người dân vì cho hiệu quả kinh tế cao lại giải quyết tình trạng chăn nuôi bò thả rông, phá hoại mùa màng cũng như hạn chế được dịch bệnh phát sinh lây lan”.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn huyện Triệu Phong phát triển nhiều mô hình khác như trang trại sen- cá kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay toàn huyện có hơn 90 ha trồng sen kết hợp thả cá trên diện tích đất khó sản xuất lúa, lợi nhuận đạt từ 100- 150 triệu đồng. Huyện cũng đang đầu tư và nhân rộng 3 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao là các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, chăn nuôi lợn, nuôi gà thương phẩm, luân canh nhiều vụ và sản xuất rau an toàn. Riêng đối với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn cho hiệu quả rất cao. Đây là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo công nghệ biofloc. Mô hình này, giai đoạn 1 ương tôm trước khi thả ra ao nuôi, giai đoạn 2 tôm sau 30 ngày tuổi đạt kích cỡ 700 đến 800 con/kg sẽ san qua ao nuôi bằng phương pháp xả ống. Lúc này, tôm đã vượt qua giai đoạn thường mắc các bệnh nguy hiểm do đã có sức đề kháng cao nên phát triển tốt. Sau 2 đến 2,5 tháng nuôi tại ao nuôi, tôm đạt trọng lượng 50- 60 con/kg sẽ xuất bán ra thị trường. Mô hình nuôi tôm này được xây dựng hồ nuôi đúng theo quy hoạch đảm bảo về môi trường, hạn chế được dịch bệnh, ít chịu tác động của tự nhiên, tiết kiệm được thời gian nuôi, tăng số vụ nuôi trong năm từ 3-4 vụ/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ 40-60 tấn/ha/năm, lợi nhuận từ 1- 1,5 tỷ đồng/ha, cao gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi tôm truyền thống. Hiện nay trên địa bàn huyện đã triển khai nuôi 5 ha ở 3 xã ven biển là Triệu Vân, Triệu An và Triệu Lăng. Mô hình này đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đánh giá cao và sẽ được phát triển mạnh ở các xã vùng biển trong thời gian tới.
Ngoài ra, UBND huyện đang tập trung xây dựng một số mô hình mới như trồng 22 ha dứa, 2 ha cây cà gai leo, trồng thí điểm 1,5 ha cây đinh lăng, phục tráng theo kế hoạch 5 ha bưởi thanh trà và tiến hành trồng thử nghiệm 5 ha cam ở một số địa phương có thổ nhưỡng phù hợp.
Theo Báo Quảng Trị