Không phải ngẫu nhiên mà thông điệp của Ngày Môi trường Thế giới 5/6 do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đưa ra năm nay là: Lắng nghe sự tồn vong của thiên nhiên hoang dã. Với chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, Ngày Môi trường Thế giới năm 2016 tại Việt Nam với điểm nhấn là tập trung bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã để góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội.
Theo UNEP, thời gian qua, dù những nỗ lực của các cơ quan chức năng và cộng đồng bảo vệ động vật hoang dã đã có một số thành công nhất định nhưng động, thực vật hoang dã vẫn có nguy cơ cao bị tuyệt chủng. Ngày Môi trường Thế giới năm 2016 hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các động vật trên thế giới, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến công dân toàn cầu về điểm giới hạn của hệ sinh thái trên trái đất, kêu gọi sự chung tay, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hiểu biết nhiều hơn và cần phải thay đổi thói quen, hành vi để giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từđộng, thực vật hoang dã. Ngày Môi trường Thế giới năm nay còn là cơ hội để cả cộng đồng cùng đồng hành bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng và bảo tồn, duy trì sự đa dạng sinh học cho thế hệ tương lai; thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã qua từng lời nói và hành động để cùng nhau xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam nói không với buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã.
Động vật hoang dã bị săn bắt trái phép được lực lượng kiểm lâm thu giữ, chăm sóc, cứu hộ để thả về môi trường tự nhiên |
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, nơi có điều kiện tự nhiên và khí hậu tương đối khắc nghiệt nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn nỗ lực giữ được vốn rừng tự nhiên trên 141.000 ha và rừng trồng trên 100.000 ha, nâng độ che phủ đạt 49,5% (năm 2015). Nhờ có vốn rừng phong phú, là một trong những địa phương có độ che phủ rừng cao trong khu vực, Quảng Trị được đánh giá là địa bàn có tính đa dạng sinh học cao, mang tầm quốc gia và khu vực, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như gà lôi lam mào trắng, voọc Hà Tĩnh, sao la, mang lớn, thỏ vằn... Chỉ tính riêng khu hệ động vật có xương sống trên cạn ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã thống kê được 333 loài (91 loài thú thuộc 28 họ, 10 bộ; 193 loài chim thuộc 43 họ, 15 bộ; 32 loài bò sát thuộc 13 họ, 2 bộ và 17 loài lưỡng cư thuộc 5 họ, 1 bộ). Trong đó có 79 loài quý hiếm chiếm 23,72% tổng số loài ghi nhận được trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 có 56 loài, chiếm 16,82% (thú 33 loài, chim 11 loài và bò sát 12 loài). Hàng năm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã xây dựng và thực hiện nhiều chuyên đề điều tra, giám sát đa dạng sinh học về các nhóm loài động thực vật như các loài trong bộ gà, các loài linh trưởng, các loài thực vật quý hiếm… Qua điều tra ghi nhận được 22 đàn vượn Trung Bộ, 5 loài gà (Gà lôi hồng tía, gà lôi trắng, trĩ sao, gà gô, gà tiền mặt vàng)…
Có một thực tế đáng báo động đang diễn ra từ hàng chục năm nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đó là hầu như năm nào, lực lượng chức năng cũng bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, trong đó cá thể động vật hoang dã bị thu giữ nhiều nhất vẫn là kỳ đà, rùa, heo rừng, nai, nhím, khỉ mặt đỏ, khỉ lông vàng, tê tê, trăn, rắn… có cá thể đã chết, được ướp lạnh để đem đi tiêu thụ. Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ 135 vụ vi phạm, thu được 1.599 cá thể động vật hoang dã với trọng lượng 3.514,7 kg. Qua điều tra, các đối tượng khai nhận thu mua động vật hoang dã từ nhiều nguồn, sau đó vận chuyển để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu. Theo quan niệm của nhiều người, thực phẩm từ động vật hoang dã được xem là món khoái khẩu, thơm, ngon và bổ dưỡng hơn các loại gia súc, gia cầm nuôi nhốt, ăn thức ăn chế biến công nghiệp, là đặc sản mang tính vùng miền, được xem là vị thuốc khi ngâm rượu, thậm chí là món ăn mang màu sắc tâm linh, đem lại điều may mắn... nên luôn gây tò mò, hấp dẫn thực khách. Mặc dù hành vi vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm đã được quy định trong Bộ Luật hình sự với các chế tài nghiêm khắc, song thực tế, các hành vi xâm hại đến các loài động vật hoang dã vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do công tác bảo vệ chưa nghiêm, do ý thức của cộng đồng chưa tốt, đặc biệt, hiện nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm là rất lớn, đem lại lợi nhuận cao cho cả người săn bắt, buôn bán, chế biến nên các đối tượng bất chấp pháp luật vẫn mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khiến cho việc thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn, đồng thời góp phần kích thích sự gia tăng săn bắt, tận diệt, dẫn đến tuyệt chủng các loài động vật hoang dã, quý hiếm.
Bên cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên trong khu vực có xu hướng giảm, nạn buôn bán động vật hoang dã tiếp diễn không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác hình thành mạng lưới buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới, trong đó Quảng Trị là một trong những địa bàn được mạng lưới buôn bán phi pháp này nhắm đến. Tỉnh Quảng Trị có tuyến đường xuyên Á nối Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanma qua hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, cùng tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên suốt dãy Trường Sơn, nhiều tuyến đường nội vùng được kết nối, thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Lào. Chính yếu tố thuận lợi này cũng góp phần tạo cho Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển buôn bán, vận chuyển trái pháp luật nhiều loài động vật hoang dã trong nội địa cũng như từ các nước Đông Nam Á sang các quốc gia khác.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo vệ, gìn giữ động vật hoang dã quý hiếm, tỉnh Quảng Trị đã giao cho các ngành liên quan triển khai các chương trình hành động nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ động, thực vật quý hiếm. Cùng với việc thành lập 3 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 66.374 ha, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nói riêng. Các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng phương án đấu tranh ngăn chặn tại chỗ và tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các tụ điểm mua bán động, thực vật hoang dã trái phép, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động, thực vật hoang dã, quý hiếm. Phối hợp với tỉnh Savannakhet (Lào) trong ngăn chặn tình trang buôn bán động, thực vật hoang dã quý hiếm trên tuyến biên giới từ Lào vào Việt Nam. Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân ở miền núi, các khu rừng đặc dụng để người dân tích cực tham gia bảo vệ động, thực vật; không săn bắn, bắt, bẫy các loài động vật hoang dã quý hiếm; không làm ô nhiễm hoặc phá huỷ môi trường sống của động vật hoang dã. Những nỗ lực này đã góp phần hạn chế nạn khai thác, buôn bán, săn bắt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, số vụ vi phạm giảm dần qua từng năm.
Để giảm thiểu tình trạng khai thác, buôn bán, săn bắt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã trên địa bàn, cần thay đổi nhận thức và hành vi của người sử dụng bằng các chiến dịch truyền thông đến nhiều tầng lớp nhân dân về việc chung tay bảo vệ động vật hoang dã, nói không với việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm từ động vật hoang dã. Các cơ quan chức năng cần đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với hành vi khai thác, buôn bán, săn bắt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, bảo tồn, duy trì đa dạng sinh học cho thế hệ tương lai.
baoquangtri.vn