Bệnh tai xanh trên lợn còn được gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS), là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc giống arterivirus gây ra. Bệnh rất dễ lây lan, hiện đang xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn. Để khống chế và dập tắt bệnh tai xanh trên đàn lợn, Chi cục Thú y và các địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp khống chế và phòng chống dịch bệnh.
Bệnh tai xanh lây truyền qua đường nước bọt, dịch tiết từ mũi, phân, nước tiểu, sữa, tinh dịch của lợn mắc bệnh sang con lợn khác. Virus có thể xâm nhập cơ thể lợn khỏe qua đường hô hấp, tiêu hóa, đường sinh dục, đường máu, lợn mẹ truyền cho con lúc đang mang thai. Virus tấn công vào hệ thống miễn dịch của cơ thể lợn chỉ gây tỷ lệ lợn chết từ 1-5% nhưng nguy hiểm hơn là loại virus này chính là tác nhân giúp các vi khuẩn khác kế phát làm cho bệnh nặng thêm, lây lan nhanh ra diện rộng, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao nếu không có cơ chế ngăn chặn kịp thời.
Khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi bằng vôi bột |
Bệnh tai xanh trên lợn xuất hiện đầu tiên tại thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, đến nay đã xuất hiện thêm ở 2 thôn của xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị và xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong. Tính đến ngày 4/5/2016, tổng số lợn mắc bệnh là hơn 255 con, trong đó đã tiêu hủy 61 con, điều trị khỏi bệnh 71 con, số còn lại đang điều trị. Qua điều tra tình hình dịch tễ, các hộ có lợn bị bệnh không nhập giống ở ngoài vào, không có chợ, lò mổ hay nơi trung chuyển buôn bán lợn nhưng đây là nơi đã xảy ra ổ dịch cũ năm 2013. Các ca phát bệnh đầu tiên tại ổ dịch đều trên lợn nái nên bệnh tai xanh trên lợn lần này phát bệnh tại chỗ nhưng lây lan nhanh là do trước đó người dân đã giấu lợn bị bệnh để tự chữa trị mà không báo với cán bộ thú y cơ sở.
Sau khi phát hiện có bệnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với địa phương triển khai khẩn trương các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 880/QĐ-UBND công bố dịch tai xanh ở lợn ở xã Hải Phú, Hải Lăng và Công điện số 1469/CĐ-UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tai xanh ở lợn. Chi cục Thú y đã tổ chức tiêm phòng bao vây tại vùng có dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm, đồng thời cấp phát 16.640 liều vắc xin cho các xã có nguy cơ xảy ra dịch lợn tai xanh trên địa bàn các huyện, thị xã có dịch để tiêm phòng bao vây, khoanh vùng ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng; cấp 5 tấn hóa chất để phối hợp chính quyền địa phương tập trung phun thuốc, tiêu độc khử trùng ở các chuồng trại, đường giao thông, khu vực công cộng trên địa bàn các xã có dịch tai xanh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi ở các xã của các huyện, thị xã có dịch cũng được kiện toàn; thành lập 5 tổ chốt chặn và 3 tổ phun thuốc hóa chất tổng vệ sinh, tiêu độc toàn xã; thông báo tình hình dịch bệnh cho người dân biết, hướng dẫn người chăn nuôi cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, báo cáo ngay cho thú y khi lợn bị bệnh; nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn có dịch, bố trí lực lượng kiểm tra và xử lý vi phạm; kiểm tra, rà soát, nắm chắc số lượng và tình hình dịch bệnh trên đàn lợn. Đối với các hộ có lợn bị bệnh, cán bộ thú y yêu cầu nhốt riêng lợn khỏe, hỗ trợ người chăn nuôi điều trị tích cực lợn bị bệnh, chỉ tiêu hủy lợn chết hoặc lợn bị bệnh quá nặng không có khả năng phục hồi. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nếu phát hiện những bất thường trên lợn khi đưa vào giết mổ để truy xuất nguồn gốc. Rà soát tiêm phòng bổ sung cho đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh. Phân công cán bộ địa bàn nắm chắc thông tin, sớm phát hiện dịch bệnh, kịp thời báo cáo với Chi cục Thú y để có biện pháp xử lý. Công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cũng được chú trọng thực hiện nhằm giúp người dân hiểu đúng, đầy đủ và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Bà Lê Thị Nga, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết: “Ngay sau khi có thông tin về dịch, Chi cục Thú y đã kịp thời báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT và đã khẩn trương triển khai các biện pháp khống chế, dập dịch. Các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao cũng tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa để tránh tình trạng dịch bùng phát trên diện rộng. Kịp thời thực hiện cơ bản công tác tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh và đặc biệt chú trọng đến vấn đề tiêu độc khử trùng, bảo vệ môi trường ở các địa bàn đã xảy ra dịch” .
Hiện nay, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn còn phổ biến theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán, quy mô hộ gia đình nên công tác tiêm phòng các loại bệnh cho gia súc, gia cầm hiệu quả đạt kết quả chưa cao. Do vậy, khi có điều kiện thời tiết thay đổi, dịch bệnh rất dễ bùng phát tại chỗ và lây lan nhanh trên diện rộng. Một yếu tố rất quan trọng trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là dịch bệnh tai xanh là không được giấu dịch. Bởi nguyên tắc quan trọng trong điều trị lợn bị bệnh tai xanh là phải phát hiện sớm lợn bị bệnh và điều trị khi lợn mới bỏ ăn từ 1- 2 ngày sẽ giúp cho tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lên tới 90- 100%. Trường hợp ở thôn Phú Hưng, xã Hải Phú là người dân đã giấu lợn bị bệnh hơn 10 ngày thì tỷ lệ điều trị khỏi bệnh là thấp. Tuy nhiên, không được lạm dụng thuốc kháng sinh để điều trị kéo dài, chỉ dùng kháng sinh điều trị trong 3 ngày còn những ngày sau có thể dùng các thuốc bổ để nâng cao thể trạng cho lợn. Nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn bằng cách dùng các loại thuốc trợ sức trợ lực như bcomlex, vitamin và hạn chế bệnh cơ hội bằng cách dùng các thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Kết hợp cho lợn ăn hoặc uống các men tiêu hóa để tăng cường khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn.
Kết quả phòng chống bệnh tai xanh trên lợn đạt như thế nào phụ thuộc nhiều vào thái độ cũng như cách thức phòng bệnh của người chăn nuôi. Vì vậy, cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm tránh thiệt hại về kinh tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân.
baoquangtri.vn