Gia đình gắn liền với tất cả mọi thành viên trong xã hội. Gia đình là một bộ phận vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, là nền tảng bền vững của quốc gia. Công tác gia đình là một hoạt động tồn tại một cách tự nhiên và có sự thay đổi theo nhận thức từ sự phát triển của xã hội. Từ năm 2015, huyện Vĩnh Linh đã có các văn bản quan trọng chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công tác gia đình, triển khai các nhiệm vụ thực hiện kế hoạch hành động về chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện.
Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có 22 xã, thị trấn, với 25.696 hộ, trong đó có 19.296 hộ nông thôn. Có 3.033 hộ có 3 thế hệ chung sống dưới một mái ấm gia đình. Có 8.722 hộ có người từ 60 tuổi trở lên. Nhờ duy trì nếp sống văn hóa truyền thống, nền nếp gia phong, dòng tộc, gia đình thủy chung, hòa thuận từ bao đời nên toàn huyện có 22.627 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Chính đó là cơ sở để huyện Vĩnh Linh trở thành huyện điển hình văn hóa của tỉnh Quảng Trị.
Hội thi phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới- Ảnh: PM |
Xác định rõ tầm quan trọng của gia đình, các địa phương đã quan tâm tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, qua đó tăng cường nhận thức cho mọi người chăm lo đến tổ ấm gia đình, nuôi dạy con tốt, vợ chồng yêu thương, cùng nhau chia sẻ khó khăn, vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Các địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… nhằm xây dựng gia đình êm ấm, cộng đồng yên vui. Tại cơ sở còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Sinh hoạt câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, họp mặt các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc giáo dục con cái, đề cao giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và vai trò của gia đình trong việc phòng, chống các tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình theo tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Thực hiện công tác xây dựng gia đình theo văn bản chỉ đạo của các cấp và hướng dẫn của ngành văn hóa, năm 2015 các xã, thị trấn tổ chức thu thập, tổng hợp số liệu về gia đình, bạo lực gia đình để có cơ sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, thôn, bản, khóm phố tiếp cận tuyên truyền, giáo dục, góp phần ngăn chặn, lên án các dấu hiệu con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng bất hòa, nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Qua đánh giá của Ban chỉ đạo công tác gia đình huyện Vĩnh Linh, năm 2015 toàn huyện xảy ra 37 vụ bạo lực gia đình tập trung vào nam giới, chủ yếu là các hình thức: Bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể, bạo lực kinh tế. Thông qua công tác giáo dục, giải thích, góp ý của cộng đồng dân cư, tất cả các vụ bạo lực đều được ngăn chặn có hiệu quả. Các địa phương chú trọng đến công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Với truyền thống Việt Nam, bữa cơm gia đình thể hiện đầy đủ ý nghĩa sự đoàn tụ của người thân, tình cảm gần gũi, gắn kết nhất của những người trong một gia đình. Công tác gia đình là một hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng hoàn cảnh của đối tượng.
Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ huyện đến xã, thị trấn đã đi sâu vào thực tế tiếp cận với những nội dung của công tác gia đình để tham mưu với lãnh đạo, tổ chức tốt các hoạt động về gia đình. Nội dung tuyên truyền về công tác gia đình thông qua nhiều hình thức như: Hệ thống phát thanh ở cơ sở, pa nô, áp phích, tờ rơi, tổ chức nói chuyện chuyên đề, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt các hội đoàn thể, phổ biến pháp luật về gia đình…, qua đó nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người, tạo được bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên qua thực tế, đội ngũ làm công tác gia đình tại cơ sở hiện nay chủ yếu kiêm nhiệm nên còn nhiều hạn chế. Mặt khác, kinh phí đầu tư cho công tác gia đình quá eo hẹp, rất khó khăn tổ chức các hoạt động. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác gia đình. Hiện tại, do Trung ương chưa có quy định nên đội ngũ làm công tác gia đình ở thôn, bản, khóm phố trên địa bàn huyện chưa được hình thành. Đây cũng là một nguyên nhân khách quan mà công tác gia đình còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, thông suốt.
Trước thực tế đó, Ban chỉ đạo công tác gia đình huyện đã thấy rõ và chỉ đạo các địa phương củng cố Ban chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động cụ thể tại cộng đồng dân cư, hướng dẫn lồng ghép công tác gia đình với với tháng hành động vì trẻ em hàng năm gắn với hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam. Huyện tổ chức truyền thông trọng điểm về phòng chống bạo lực gia đình. Năm 2015, qua chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự hưởng ứng tham gia tích cực của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương, nhận thức về công tác gia đình đã chuyển biến tương đối mạnh mẽ. Đây là cơ sở duy trì và phát triển các hoạt động về công tác gia đình trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 2016, Ban chỉ đạo công tác gia đình huyện Vĩnh Linh tăng cường công tác chỉ đạo đối với cơ sở, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, song song với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đưa công tác gia đình vào mục tiêu thi đua trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ban chỉ đạo của huyện hướng dẫn mỗi xã, thị trấn thành lập 1-2 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững trong thời kỳ CNH, HĐH.
Công tác gia đình là một bộ phận không tách rời với phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ. Do đó, đẩy mạnh công tác gia đình có ý nghĩa thiết thực với hoạt động văn hóa, phát triển kinh tế, giữ gìn nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam. Đó không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác gia đình, của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, mà là trách nhiệm của tất cả mọi gia đình và mỗi người.
baoquangtri.vn