Những năm gần đây, mô hình rau an toàn của ông Nguyễn Thủy ở thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa được nhiều người quan tâm bởi ông lựa chọn các loại giống rau màu chất lượng ở Đà Lạt để trồng, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Mô hình trồng rau an toàn, chất lượng cao của ông Nguyễn Thủy
Từ trung tâm xã Hướng Phùng, để vào thăm mô hình rau an toàn của ông Thủy, chúng tôi phải vượt qua những đoạn đường dốc trơn, gồ ghề gần 10 km. Tân Pun - nơi gia đình ông ở, được ví như “Đà Lạt 2” vì thời tiết nơi đây trong một ngày có lúc mưa, lúc nắng và độ ẩm không khí khá cao. Vườn rau của ông Thủy rộng khoảng 7.000 m2 nằm dọc con sông Cà Rồng, thường xuyên được bồi đắp phù sa và cung cấp nước tưới để rau sinh trưởng tốt. Trong ngần ấy diện tích, ông Thủy trồng rất nhiều loại rau, hoa được người tiêu dùng ưa chuộng như xúp lơ xanh, xúp lơ trắng, bắp cải, tần ô, xà lách, cà rốt, rau cải các loại, ngò thơm, nghệ, lạc, ngô, hoa cúc, hoa hướng dương... Dưới bàn tay chăm bón của ông Thủy, loại rau, loại hoa nào cũng phát triển tươi tốt.
Những năm 1980, gia đình ông Thủy cùng với 29 hộ khác từ Triệu Độ, Triệu Phong lên Tân Pun xây dựng kinh tế mới. Ngày ấy, nơi này đầy lau lách, cỏ dại, bốn bề bao phủ bởi núi rừng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ đường. Chỉ trong 2 năm đầu đến Tân Pun lập nghiệp, lần lượt 28/30 hộ rời đi vì không thể chịu được cảnh vất vả, ốm đau triền miên, nhất là bệnh sốt rét khiến một số người phải bỏ mạng. Quyết tâm gắn bó với quê hương mới, vợ chồng ông Thủy vỡ đất khai hoang, đầu tư trồng cà phê với hy vọng một ngày không xa góp sức đưa mảnh đất Tân Pun khởi sắc. Từ đó đến nay, nhờ vào sự siêng năng, cần cù lao động sản xuất, gia đình ông Thủy vươn lên trở thành hộ khá trong vùng nhờ hiệu quả từ cây cà phê đem lại. Tuy nhiên, những năm gần đây, vợ chồng ông chuyển sang mô hình lấy ngắn nuôi dài vì giá cà phê đôi lúc không ổn định.
Cùng với việc duy trì diện tích cà phê (hơn 1 ha), 5 năm trước, ông Thủy bắt đầu trồng rau màu, trước mắt phục vụ nhu cầu gia đình, sau đó xuất bán tại chợ Hướng Phùng. Năm nào ông cũng dành thời gian vào Đà Lạt tham quan các mô hình vườn rau nhằm tìm kiếm những giống rau màu phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Tân Pun.
Bên cạnh đó, ông tìm hiểu kỹ thuật trồng rau màu thế nào cho hiệu quả thông qua sách báo, ti vi và những người có kinh nghiệm trồng rau ở Đà Lạt. Ông Thủy rất vui khi các giống rau ở Đà Lạt nhanh chóng thích ứng với điều kiện khí hậu và đất đai quê mình. Ông cho biết: “Để phòng trừ sâu bệnh cho rau, tôi dùng tỏi, ớt giã nhuyễn rồi trộn với rượu làm thuốc phun, tuyệt đối không dùng các hóa chất độc hại. Từ ngày trồng các giống rau Đà Lạt, lượng người mua rau của chúng tôi nhiều hơn vì họ thấy rau có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, chất lượng. Hầu như ngày nào vợ chồng tôi cũng cắt rau ra chợ bán và thu nhập bình quân từ 300-400 nghìn/ngày. Cao điểm có những ngày chúng tôi không đủ rau bán, nhất là vào các dịp lễ, tết. Việc trồng rau không chỉ là thú vui tuổi già mà còn đem lại cho gia đình chúng tôi một nguồn thu khá. Thời gian tới, tôi tiếp tục tìm kiếm những giống rau chất lượng cao ở Đà Lạt về trồng và nhân rộng các loại rau như bắp cải, xúp lơ xanh và xúp lơ trắng”.
Xã Hướng Phùng là nơi có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp để trồng nhiều loại rau màu chất lượng cao. Tuy nhiên, phần lớn nông dân nơi đây chỉ trồng rau để phục vụ cho gia đình chứ chưa nghĩ đến việc bán cho người tiêu dùng. Thôn Tân Pun có hơn 50 hộ dân nhưng chỉ có gia đình ông Thủy là trồng phong phú các loại rau để cung cấp cho người tiêu dùng ở địa phương. Ông Nguyễn Đức Biểu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Phùng, cho biết: “Mô hình trồng rau an toàn, đặc biệt là đưa vào trồng thành công những loại rau có nguồn gốc từ Đà Lạt mang lại giá trị kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Thủy cho thấy sự đổi mới trong tư duy, cách làm ăn của nông dân ở xã Hướng Phùng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ định hướng cho hội viên nông dân trên địa bàn tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; tập trung chuyển đổi những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp; tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, trong đó chủ yếu hướng đến chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ. Xây dựng và phát triển những mô hình rau màu an toàn cho thu nhập ổn định, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển”.
Baoquangtri.vn