Đó là tâm sự của Anh Hồ Văn Tiu, thôn Cu Tài 2, xã A Bung, huyện Đakrông. Năm 2012 được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân, Hội Nông dân tỉnh mở lớp dạy nghề Kỹ thuật xây dựng, sơ cấp nghề 03 tháng tại xã, anh đã theo học không vắng buổi nào, tốt nghiệp loại khá. Sau một thời gian hành nghề, anh đã tự xây cho mình một ngôi nhà cấp 4, diện tích 45 m2 với số tiền vay từ ngân hàng chính sách xã hội là 15 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông thăm ngôi nhà cấp 4 của anh Hồ Văn Tiu
Học nghề thợ xây trước hết để xây nhà cho mình:
Anh Hồ Văn Tiu, sau khi cưới vợ được gia đình bố mẹ, dựng làm cho một ngôi nhà sàn theo truyền thống, diện tích chỉ vào khoảng 25 m2, nên cũng rất chật chội. Từ khi học xong khóa học nghề, anh đã theo các nhóm thợ xây nhà cho anh Hồ Văn Thiu ở Tà Rụt, anh Hồ Văn Nghĩa, nhà 02 tầng cho anh Hồ Văn Thơi ở thôn Cu Tài 2, anh Hồ Văn Dô ở thôn La Ho…. Và một số công trình khác trong vùng, học xong có việc làm nên tay nghề cũng dần được nâng lên. Ở xã đặc biệt khó khăn nên công thợ cũng rẽ hơn so với các nơi khác, nhưng mỗi ngày tiền công cũng lên đến 150.000 đồng, đã tạo được việc làm cho một số anh em có nghề thợ xây.
Từ lúc đầu chỉ là phụ thợ, sau đó, anh đã trở thành thợ cả, tự thiết kế, tự xây nhà. Năm 2014 anh đã tự xây nhà cho mình, với số tiền hạn chế vay 15 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, anh chỉ đủ mua vật liệu, xi măng, sắt thép, tấm lợp…. còn các vật liệu khác anh tự tìm kiếm và cùng sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, hàng xóm… Sau hơn 3 tháng thi công, anh đã hoàn thành ngôi nhà cấp 4 với diện tích 45m2. Ngôi nhà tuy chưa được khang trang, còn thiếu nhiều thứ, nhưng đối với gia đình anh ở một xã miền núi khó khăn như A Bung vẫn là một điều mơ ước với nhiều người.
Vợ chồng anh Hồ Văn Tiu và chị Hồ Thị Mơn nhóm Bếp cải tiến đun nước chế trà
Chi hội trưởng nông dân quyết tâm thoát nghèo:
Anh tâm sự thêm, hiện nay anh là chi Hội Trưởng Hội Nông dân thôn Cu Tài 2, mỗi năm gia đình sản xuất được khoảng 4 tạ lúa, 2 tấn sắn, 01 tấn ngô… ngoài ra có chăn nuôi dê, gà, lợn… Tuy vậy, gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo với 4 nhân khẩu.
Vợ anh, chị Hồ Thị Mơn, vẫn còn rất trẻ và mong muốn được thoát nghèo. Vừa qua, gia đình chị được dự án : “Xây dựng và chuyển giao mô hình Bếp đun cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Trị nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân” do UNDP, GEF-SGP tài trợ, đã hỗ trợ cho gia đình 01 bếp đun cải tiến làm mô hình trình diễn. Sau hơn 03 tháng đun thử nghiệm, chị cho biết, bếp đun cải tiến đã giúp chị tiết kiệm được một số củi đun trên 200 kg, bếp đun dễ dàng ít khói bụi, nấu ăn nhanh hơn và đặc biệt an toàn; từ đây chị không còn bận tâm trong việc đi kiếm củi ở trên nương. Chị mong muốn Dự án tiếp tục hỗ trợ Bếp đun cải tiến cho bà con, để bà con đỡ vất vã, nhất là chị em phụ nữ trong việc nấu nướng phục vụ gia đình. Và từ khi có Bếp chị giành được nhiều thời gian chăm sóc con cái, xem ti vi và tham gia các hoạt động của Hội Nông dân.
Điều mong muốn và quyết tâm của hai anh chị là được vay thêm nguồn vốn chăn nuôi dê và trồng trọt để thoát nghèo bền vững./.
Nguyễn Đán