Là người đầu tiên đưa giống chim cút về nuôi ở vùng ven biển bãi ngang sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, mô hình nuôi chim cút của chị Lê Thị Mai Ly (28 tuổi) ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh bước đầu mang lại thu nhập khá. Trò chuyện với chị Ly trong ngôi nhà khang trang ở làng biển Nam Sơn, chị kể: “Trước đây, gia đình tôi nuôi tôm chân trắng dọc vùng biển bãi ngang. Nhưng sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhà tôi lỗ nặng.
Mô hình nuôi chim cút của chị Ly cho thu nhập khá
Trong một lần lên Cam Lộ thăm người thân, thấy mô hình nuôi chim cút của một gia đình ở đó khá hiệu quả nên tôi ấp ủ ý định sẽ đem giống chim này về nuôi thử nghiệm”. Nghĩ là làm, chị bàn với chồng tìm hiểu về nguồn giống, kỹ thuật nuôi rồi đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi chim cút. Với số vốn ban đầu 100 triệu đồng, vợ chồng chị tiến hành xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn thoáng mát về mùa hè, ấm áp trong mùa đông và đến đầu năm 2016 thì lấy chim giống về nuôi thử nghiệm. Chim giống được chị Ly vào tận Quảng Nam để chọn lựa cẩn thận. Lứa đầu tiên, vì chưa có kinh nghiệm nên đàn chim cút mắc bệnh rồi chết dần, có ngày chết vài trăm con. Không chùn bước trước khó khăn, chị chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi chim cút qua sách, báo và tham khảo thêm từ các cán bộ thú y, khuyến nông viên để tiếp tục gầy đàn. Nhờ đó, đàn chim cút của chị ngày càng khỏe mạnh, sinh trưởng tốt.
Lứa đầu tiên, chị thu lãi ròng trên 25 triệu đồng. Hiện tại, chị Ly đang nuôi lứa chim cút thứ 2 (một lứa từ 5 - 6 tháng) với 5.000 con chim cút bố mẹ. Chị cho hay: “Nuôi chim cút cần phải kiên trì và cẩn thận, chim phải được chăm sóc kỹ càng vì rất dễ mắc bệnh. Trước tiên phải biết chọn lựa con giống, nên chọn những con chim đầu to, lông mịn, chân không bị khô, nhìn lanh lợi… Mỗi khi thời tiết thay đổi thất thường chim hay bị đau bụng, nhìn vào phân chim để nhận biết và kịp thời cho chim uống kháng sinh ba ngày liên tục. Nếu chim bị Ecoli phù đầu sẽ có dấu hiệu mắt sưng, chảy nước dãi… lúc đó cần cho chim uống thuốc phòng ngừa. Trời nắng cho chim uống viên C sủi giải nhiệt, trời mưa giữ nhiệt ổn định cho chim. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tránh phát sinh mầm bệnh”.
Chị cho biết thêm, thức ăn chính của chim là bột ngô và cám gạo. Chim cút được nuôi thành từng dãy riêng biệt, trong các lồng nhỏ, mỗi lồng chứa khoảng 25 con, nuôi 42 ngày chim bắt đầu cho trứng. Trứng chim cút được phân chia thành 2 loại, trứng ngang và trứng lộn. Trứng ngang thu được trong những lồng chỉ nuôi chim mái, trứng cút lộn được lấy từ lồng nuôi chim trống và mái kết hợp. Để thu được trứng cút lộn, chị cho chim giao phối tự nhiên, mỗi lồng gồm 20 chim mái và 5 chim trống. Trứng được thu vào mỗi buổi sáng rồi bán cho các thương lái ngay tại lò với giá 450 đồng/quả nếu bỏ sỉ, 550 đồng/quả nếu bán lẻ đối với trứng ngang. Trứng cút lộn được bán với giá 900 đồng/ quả. Cuối mỗi lứa, khi chim mẹ sức khỏe yếu đi, tỉ lệ sinh sản thấp, sẽ được bán lấy thịt cho các nhà hàng với giá 15 nghìn/con. Phân của chim cút cũng được chị ủ và bán cho những trang trại, gia trại trồng cây công nghiệp…
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, chị Ly chia sẻ: “Sắp tới, tôi dự định sẽ thuê đất đào hồ nuôi cá để tận dụng nguồn phân chim sẵn có và xây thêm chuồng trại chăn nuôi heo, gà nhằm lấy ngắn nuôi dài. Tôi cũng mong muốn chính quyền, ban, ngành các cấp quan tâm, hỗ trợ để gia đình có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”. Là một người phụ nữ trẻ, dám nghĩ dám làm, mô hình nuôi chim cút trên cát của chị Ly đã tạo nên những thành công bước đầu trong công cuộc chuyển đổi sinh kế. Những mô hình như thế cần được nhân rộng và nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và ban, ngành các cấp
Baoquangtri.vn