Những nông dân biết cách làm giàu

Thứ năm - 08/12/2016 22:11 75 0
Chăn nuôi lợn rừng không phải là mô hình mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhưng từ trước tới nay nông dân mới thực hiện ở quy mô nhỏ. Thấy được lợi ích to lớn từ chăn nuôi lợn rừng, bà Lê Thị Tâm ở thôn Tân Trang, Cam Thành, Cam Lộ (Quảng Trị) đã đầu tư vốn để phát triển mô hình kinh tế này một cách bài bản, có quy mô lớn, ứng dụng quy trình kỹ thuật mang lại hiệu quả cao.

Chăn nuôi lợn rừng không phải là mô hình mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhưng từ trước tới nay nông dân mới thực hiện ở quy mô nhỏ. Thấy được lợi ích to lớn từ chăn nuôi lợn rừng, bà Lê Thị Tâm ở thôn Tân Trang, Cam Thành, Cam Lộ (Quảng Trị) đã đầu tư vốn để phát triển mô hình kinh tế này một cách bài bản, có quy mô lớn, ứng dụng quy trình kỹ thuật mang lại hiệu quả cao.

Từ năm 1995, bà Tâm đầu tư nguồn vốn khá lớn để xây dựng trang trại tổng hợp trên vùng đất gò đồi Cam Lộ. Ngoài trồng rừng, bà còn đầu tư phát triển chăn nuôi. Bà đã thử nghiệm nuôi khá nhiều loại vật nuôi khác nhau và cuối cùng trên cơ sở phân tích tính thích nghi, hiệu quả kinh tế, khả năng tiêu thụ của th ị trường, cung ứng giống, thức ăn, điều kiện nuôi... của từng con vật nuôi, bà chọn lợn rừng làm hướng đầu tư trọng tâm để phát triển kinh tế. Ban đầu bà chỉ nuôi ở quy mô vài chục con, sau mở rộng dần theo hiệu quả sản xuất và đến nay trang trại của bà có hơn 500 con, trong đó có 50 con lợn rừng nái.


Trang trại lợn rừng của bà Tâm

Để việc nuôi lợn rừng thành công, bà Tâm tìm hiểu cách nuôi lợn rừng từ các mô hình ở tỉnh bạn, tìm hiểu qua sách báo và đầu tư nuôi tại trang trại của mình theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, lợn rừng ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Theo kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm của bà, lợn con sau khi sinh được nuôi đạt trọng lượng từ 15-20 kg rồi mới đưa ra ngoài khu vực nuôi lợn thịt. Khu vực này được xây dựng gần 3 ha, xung quanh rào chắn cẩn thận để vừa bảo vệ được lợn, vừa tạo sự thoải mái cho lợn tự do đi lại, ăn uống như lợn rừng tự nhiên. Nhờ đó mà chất lượng thịt ngon và được thị trường ưa chuộng. Bà Tâm cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng trên thị trường khá lớn nhưng thực tế không có nhiều lợn rừng để cung cấp thịt cho người tiêu dùng nên tôi quyết định chăn nuôi lợn rừng theo kiểu chăn thả tự nhiên với quy mô lớn. Thịt lợn rừng chăn thả và cho ăn thức ăn tự nhiên nên chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, trang trại chăn nuôi của tôi khá hiệu quả”.

Hiện nay, trang trại chăn nuôi lợn rừng của bà Tâm có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Cam Lộ. Do ăn thức ăn tự nhiên nên lợn rừng thường nuôi thời gian dài hơn lợn chuồng nhưng lại có giá bán cao gấp ba lần. Lợn rừng ở trang trại của bà Tâm được bán ra các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…, giá xuất bán thịt lợn rừng hơi khoảng 150 ngàn đồng/kg. Hàng năm, thu nhập riêng từ lợn rừng của bà Tâm khoảng hơn 600 triệu đồng. Sắp tới bà sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lớn hơn, đồng thời tiến hành xây dựng thương hiệu thịt lợn rừng Cam Lộ để đảm bảo ổn định đầu ra trên thị trường. Từ hiệu quả của mô hình này mang lại, nhiều hộ nông dân đã tìm đến học tập kinh nghiệm nuôi lợn rừng từ trang trại của bà Tâm. Theo bà, yếu tố quan trọng để lợn rừng đạt giá trị kinh tế cao là cần tránh sự lai tạp giống của lợn và tạo được môi trường tự nhiên trong quá trình chăm sóc.

Ngoài chăn nuôi lợn rừng, trang trại bà Tâm còn nuôi thêm 2.000 con lợn siêu nạc mỗi năm, hàng trăm con gia cầm các loại và cá nước ngọt, thu nhập bình quân mỗi năm gần 1,5 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 800 triệu đồng. Trang trại của bà còn tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ người/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, đối với những ai muốn phát triển mô hình này đều được bà Tâm tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh để cùng nhau làm giàu cho bản thân và quê hương.

Tỷ phú vườn đồi

Trong chiến lược phát triển kinh tế tại các xã vùng gò đồi, huyện Vĩnh Linh xác định phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với thế mạnh trồng cây lâu năm, trong đó đặc biệt chú trọng các loại cây công nghiệp dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cao su. Với tiềm năng sẵn có về đất đai, biết quy hoạch và tổ chức sản xuất phù hợp, nhiều nông dân đã thực sự trở thành tỷ phú vườn đồi. Ông Nguyễn Khắc Cận, thôn Thủy Ba Hạ, xã Vĩnh Thủy là một trong số đó.

Hơn 10 năm trước, ông Cận đã thực sự đánh thức vùng đồi rộng lớn này chính bằng bàn tay và khối óc của mình. Ông quan niệm rằng, có đất là có tất cả, gia đình ông đã không quản ngại khó khăn để khai hoang vỡ đất, lấy ngắn nuôi dài với đa cây, đa con. Và rồi quyết tâm “biến sỏi đá thành cơm” trên đất quê hương đã được vợ chồng ông thực hiện thành công với mô hình kinh tế trang trại vườn đồi. Ông Cận cho biết: “Ngày trước lên đây khó khăn lắm nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau khắc phục để xây dựng cơ ngơi. Tôi xác định dù khó khăn mấy cũng phải làm và gia đình tôi đã làm thành công”.


Trang trại tổng hợp của ông Cận mang lại thu nhập cao

Bằng sự nỗ lực, vượt khó để làm giàu, ông Cận không ngừng khai hoang đất đồi, mở mang trang trại và quy hoạch sản xuất hợp lý. Hiện với trang trại rộng 35 ha, ông đã trồng 5 ha rừng tràm, 15 ha cao su đang trong thời kỳ khai thác, 5 ha còn lại được ông quy hoạch để trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm…Mỗi năm ông thu nhập từ trang trại tổng hợp này khoảng 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động với mức lương 4- 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Cận còn giúp đỡ nhiều gia đình mới lên vùng đồi này lập nghiệp. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ nhiều hoạt động từ thiện, ủng hộ người nghèo trên địa bàn, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông Cận cho rằng mình được hưởng lộc từ đất thì phải biết chia sẻ với mọi người kinh nghiệm làm ăn, để ngày càng có nhiều người vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đi qua những ngày đầu gian khó, ông Cận thấy được giá trị của thành quả kinh tế hôm nay mang lại. Với ông, kinh nghiệm làm giàu trên đất vườn đồi quan trọng là nỗ lực, chịu khó và biết được cách thức bố trí trồng trọt, chăn nuôi phù hợp. Cuối năm nay, ông sẽ khoanh nuôi một phần diện tích tại trang trại để nuôi lợn với số lượng lớn. Với cách làm ăn khoa học và tính toán chặt chẽ này, ông Cận sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.

Tìm được hướng đi thích hợp trên vùng cát trắng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Diên Khánh, Hải Dương, Hải Lăng, chị Phan Thị Bé thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống nghèo khổ. Lập gia đình, cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình bé nhỏ của chị. Những đứa con của chị lớn dần, chị càng thấm thía cuộc sống nghèo khổ bởi càng ngày càng có nhiều điều phải lo toan. Không cam chịu mãi đói nghèo, chị Bé quyết tâm bứt phá vươn lên. Và đến hôm nay, chỉ sau hơn 6 năm quyết chí thoát nghèo, gia đình chị Bé đã có một cuộc sống no đủ.

Khởi nghiệp của chị là từ đồng vốn vay xóa đói giảm nghèo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng để đầu tư chăn nuôi. Phát triển từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn hơn, từ chỗ mày mò làm theo cảm tính đến áp dụng khoa học kỹ thuật được tiếp thu từ các lớp tập huấn chăn nuôi, thú y do Hội Nông dân huyện tổ chức, lợi nhuận mang lại cho gia đình chị cũng tăng dần qua các năm. Tận dụng diện tích đất đai rộng rãi ở vùng cát, gia đình chị tiếp tục vay vốn giải quyết việc làm, vốn của ngân hàng thương mại để mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình chị Bé rộng gần 1 ha có khu chăn nuôi, khu xử lý chất thải riêng biệt. Chị Bé cho biết: “Trong quá trình phát triển chăn nuôi tôi liên tục ứng dụng các tiến bộ KHKT và chăm sóc thú y tốt nên đàn lợn lớn nhanh, không bị dịch bệnh, cho hiệu quả cao. Tôi cũng đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải nên môi trường chăn nuôi sạch sẽ”.

Không cam chịu nghèo khó, chị Bé đã vươn lên làm giàu

Trang trại chăn nuôi lợn của chị Bé nằm xa khu dân cư, có quy mô 24 ô chuồng với hệ thống phun sương làm mát về mùa hè, đèn sưởi ấm về mùa đông, có 6 lồng đẻ và giàn đẻ. Nguồn lợn giống được sản xuất tại chỗ với 24 lợn nái siêu nạc cung cấp nguồn lợn giống đảm bảo chất lượng nên ít khi bị lây dịch bệnh từ bên ngoài vào. Hiện trang trại của chị Bé xuất chuồng mỗi lứa lợn hơn 100 con, mỗi tháng xuất chuồng 2 lứa lợn. Thu nhập hàng năm từ chăn nuôi của gia đình chị Bé đạt gần 300 triệu đồng. Cộng với nguồn thu nhập từ việc làm đại lý thức ăn gia súc, gia đình chị Bé có nguồn thu gần 400 triệu đồng/năm.

Biết phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương và với quyết tâm, chịu khó tìm hướng làm ăn thích hợp ngay trên chính mảnh đất của mình, gia đình chị Phan Thị Bé đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu một cách chính đáng chỉ trong một thời gian ngắn.

Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay7,161
  • Tháng hiện tại318,359
  • Tổng lượt truy cập2,196,737
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây