Với kinh nghiệm trên 30 năm làm nghề nuôi tôm, anh Hoàng Thìn Chi Hội trưởng chi Hội Nông dân khu phố 9, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà chưa năm nào bị thất bại, nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học E.M.
Bà con khu phố 9 phường Đông Giang giúp anh Hoàng Thìn thu hoạch tôm.
Khu phố 9, phường Đông Giang có 19,5 ha hồ nuôi tôm, nằm bên bờ sông Hiếu, từ những năm 2000 nhiều hộ dân đã cải tạo ao hồ, ruộng đồng để phát triển nghề nuôi tôm. Ban đầu nuôi nhỏ lẻ, quy trình kỹ thuật còn hạn chế nên hiệu quả không cao, nhiều năm bị dịch bệnh, các hộ nuôi gần như mất trắng. Nhận thấy nuôi tôm theo hình thức nhỏ lẻ, sử dụng các loại kháng sinh hóa chất trong nuôi tôm không an toàn, kém hiệu quả, năm 2004, anh Hoàng Thìn được Hội Nông dân tỉnh chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học E.M vào nuôi tôm sú thương phẩm, anh đã áp dụng có hiệu quả cho gia đình mình và hướng dẫn cho mọi người làm theo. Nhờ vậy, trong 5 năm liên tiếp, khi các địa phương trong tỉnh tôm nuôi bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì các hộ nuôi tôm ở khu phố 9, phường Đông Giang đều được mùa tôm, bình quân mỗi hộ lãi ròng trên 200 triệu đồng/ vụ.
Sản phẩm tôm sạch của anh Hoàng Thìn được các thương lái
thu mua với giá 270.000 đồng/kg.
Vụ tôm 2017, anh Hoàng Thìn thả nuôi 02 hồ với diện tích 01ha, vào đầu tháng 5 anh bắt đầu thả giống tôm sú với mật độ 25 post/m2. Anh xác định rõ 3 yếu tố quyết định thắng lợi trong mỗi vụ tôm gồm môi trường, con giống và quy trình kỹ thuật. Việc chọn con giống, anh cùng các hộ nuôi tôm mua con giống tại tỉnh Ninh Thuận, nguồn giống bảo đảm an toàn, chất lượng... Việc xử lý môi trường đòi hỏi phải cẩn thận, đặc biệt là việc xử lý đáy. Anh dùng chế phẩm sinh học EM để phân hủy các chất hữu cơ, khí độc, nên sau khi lấy nước trong vòng tử 5-7 ngày nước lên màu, đảm bảo an toàn cho việc thả tôm giống. Trong quá trình nuôi, định kỳ 10-15 ngày anh tiếp tục dùng chế phẩm sinh học EM để xử lý nguồn nước, bên cạnh đó dùng thêm một số chế phẩm sinh học khác để xử lý đáy, phân hủy thức ăn thừa... sau cơn mưa sử dụng thêm vôi để trung hòa PH nước, giữ vững độ kiềm... nên môi trường ít biến động, tôm không bị shock, tôm ăn yên, ngủ yên... Để tôm có sức đề kháng và tiêu hóa tốt anh dùng thêm chế phẩm sinh học EM5 trộn vào thức ăn, kích thích tiêu hóa và phòng bệnh. Đến tháng 9/2017 sau khi nuôi trên 4 tháng tôm sú đạt 34 con/kg, sản lượng trên 3,5 tấn với giá bán 270.000 đồng/kg, anh thu lãi trên 700 triệu đồng. Anh cho biết thêm, sau vụ nuôi tôm sú anh tiếp tục nuôi tôm thẻ chân trắng, thả với mật độ dày hơn nuôi thời gian từ 2,5- 3 tháng là xuất bán được.
Ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong nuôi tôm đã được khẳng định. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người nuôi tôm chưa nắm chắc quy trình, nuôi theo kinh nghiệm truyền lại cho nhau, chưa được tập huấn một cách bài bản. Mặt khác, trên thị trường có nhiều loại chế phẩm sinh học, nên người nuôi gặp khó khăn trong việc sử dụng, riêng anh Hoàng Thìn vẫn trung thành với chế phẩm EM, trong 30 năm qua năm nào anh cũng nuôi tôm có lãi và giúp cho bà con nuôi tôm khu phố 9 cùng nuôi tôm có lãi./.
Nguyễn Đán