Trang trại của ông Hồ Văn Dương, hội viên chi Hội Nông dân thôn An Bình, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ được nhiều người biết đến với mô hình chăn nuôi hiện đại, khép kín gồm 1.500 con lợn và 5 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Bảy năm qua nhờ biết liên kết với công ty đã giúp ông “đứng vững” trước những cơn biến động giá của thị trường, đặc biệt là trong năm 2017 giá lợn hơi thấp, các hộ chăn nuôi điêu đứng, song ông vẫn được thu nhập nhờ sự liên kết này.
Mô hình liên kết trong chăn nuôi có hiệu quả của ông Hồ Văn Dương
Ông Dương nhớ lại buổi đầu thực hiện, với chủ trương giải phóng mọi năng lực sản xuất, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương. Theo Nghị định 64 của chính phủ giao đất giao rừng cho hộ nông dân tự chủ sản xuất. Với khát khao vươn lên xóa đói giảm nghèo, ông đã nhiều đêm suy nghỉ, trăn trở làm gì và làm như thế nào để tạo ra giá trị kinh tế cao trên 6 ha vùng đất chua phèn thường xuyên ngập úng của xã Cam Thanh mà các hộ nông dân đang bỏ hoang không khai thác. Được sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền địa phương và quyết tâm của gia đình, ông đã mạnh dạn nhận 6 ha vùng chua phèn ngập úng làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng do không nắm vững quy luật cung cầu của thị trường, giá cả biến động thất thường, thiếu thông tin sản xuất, tình trạng được mùa thì mất giá, nhiều năm liền ông bị thua lỗ.
Sau nhiều lần thất bại với quy luật nghiệt ngã của thị trường vì chưa có kinh nghiệm đầu tư trong sản xuất. Cái khó ló cái khôn, năm 2010 ông chọn mô hình sản xuất mới theo hướng liên kết chăn nuôi gia công với công ty C.P. Để có kinh phí xây dựng chuồng trại nuôi lợn trên nền diện tích hơn gần 1 ha đúng thiết kế kỹ thuật công ty đưa ra, ngoài vốn của gia đình, ông phải vay thêm 40 triệu đồng Qũy Hỗ trợ nông dân và 120 triệu đồng vốn giải quyết việt làm và cam kết mỗi năm cung cấp cho công ty này 3.000 con lợn thịt. Ngược lại Công ty sẽ hỗ trợ cho trang trại thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thuốc phòng, trừ bệnh và đặc biệt là bao tiêu đầu ra sản phẩm”. Ngoài sự liên kết và đầu tư cơ sở vật chất, ông Dương đã thuê thêm nhân công, quản lý tốt trong khâu chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho lợn theo đúng quy trình chuẩn. Nhờ có mối liên kết và quy trình chặt chẽ nên suốt thời gian qua, trang trại của ông Dương chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh lớn. Doanh thu hàng năm sau khi trừ chi phí điện, nước và trả lương cho nhân công, thu được từ lợn vẫn đạt đến con số tiền tỷ. Bên cạnh đó, từ việc nuôi cá, trồng thêm cây ngắn ngày, mỗi năm ông thu không dưới 300 triệu đồng. Nhiều năm liền gia đình ông được Hội nông dân bình chọn hộ sản xuất giỏi cấp TW và được UBND tỉnh tặng Bằng khen tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi giai đoạn 1996-2016". Tháng 9 vừa qua, ông vinh dự là một trong bốn nông dân tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị được chọn đi tham dự Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2012-2017 tại Hà Nội và được Thủ Tướng chính phủ tặng bằng khen.
Ông Dương chia sẻ: “Chăn nuôi gia công là hình thức đầu tư sản xuất chậm mà chắc, thu nhập từ chăn nuôi gia công khá ổn định, bản thân tôi cũng không phải suy nghĩ, lo lắng về thị trường nữa. Để làm kinh tế trang trại, vấn đề quan trọng là sản phẩm làm ra phải tìm được nơi tiêu thụ ổn định, có ký kết bao tiêu sản phẩm nhằm tránh điệp khúc được mùa mất giá hoặc mất mùa được giá. Chỉ có như vậy thì chăn nuôi mới trở thành hướng phát triển kinh tế vững chắc, đồng thời là động lực thúc đẩy chăn nuôi quy mô công nghiệp trên địa bàn”.
Từ mô hình liên kết trong chăn nuôi có hiệu quả của ông Hồ Văn Dương, được Hội Nông dân hướng dẫn nhiều hộ nông dân đến tham quan học hỏi và đến nay đã nhân rộng thêm 10 trang trại chăn nuôi công nghiệp theo hình thức liên kết “nhiều bên”. Năm 2017 giá lợn hơi rớt kỷ lục, tuy nhiên các hộ trang trại chăn nuôi có liên kết vẫn “đứng vững” có hộ thu lãi lên đến 1 tỷ đồng./.
Lê Văn Tuấn