Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, nông dân thôn Trường Xuân, xã Hải Trường mạnh dạn chuyển đổi từ trồng rừng sang trồng tiêu, thành lập Chi Hội nghề nghiệp hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đây là hướng đi mới cần được hỗ trợ và nhân rộng.
Đồng chí Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội ND xã Hải Trường kiểm tra mô hình trồng tiêu trong nhà lưới tại Chi Hội nghề nghiệp trồng tiêu thôn Trường Xuân
Thôn Trường Xuân thuộc vùng gò đồi, bán sơn địa những năm trước đây nông dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng và chăn nuôi trâu bò, chưa hộ gia đình nào mạnh dạn trồng tiêu trên đất đồi pha cát. Trong 5 năm trở lại đây khi cây hồ tiêu được giá, một số nông dân đã mạnh dạn trồng thử nghiệm trên diện tích đất đã thu hoạch rừng, bước đầu cho thấy cây hồ tiêu thích nghi được với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương.
Nắm bắt nhu cầu của nông dân, năm 2016, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân phối hợp với Hội Nông dân xã Hải Trường mở lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây hồ tiêu cho bà con trong thôn. Với phương châm “cầm tay chỉ việc” giúp cho bà con nâng cao kỹ thuật để trồng và chăm sóc cây tiêu của chính gia đình mình. Điển hình như hội viên nông dân Cái Hữu Lưu đã mạnh dạn đầu tư trên 100 triệu đồng, trồng tiêu trong nhà lưới với quy mô 800 gốc. Anh cho biết để trồng tiêu trên đất đồi pha cát là khó hơn nhiều so với trồng tiêu trên đất đỏ bazan, anh phải thuê máy múc, đào hố sâu gần 01 mét, sau đó mới tiến hành trồng theo đúng quy trình tiêu hữu cơ, trồng giống tiêu Vĩnh Linh, bón phân vi sinh và phân ốc biển…Để giảm bớt giá thành anh mạnh dạn dùng trụ bê tông (15cm x15 cm) thay thế cho các choái sống, dùng lưới che cho tiêu mới trồng. Nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cách chăm sóc và nhà lưới nên toàn bộ giống tiêu anh trồng trong năm 2017 đều sống được đã vượt qua thời tiết khắc nghiệt trong năm đầu tiên, hy vọng đến năm thứ 3 sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên. Không chỉ riêng nhà anh Lưu, toàn thôn Trường Xuân đã có trên 20 hộ gia đình liên kết với nhau trong Chi Hội nghề nghiệp trồng tiêu hữu cơ, mỗi gia đình đều có trên 500 gốc tiêu đang cho thu hoạch và được trồng mới.
Anh Cái Hữu Lưu, hội viên nông dân thôn Trường Xuân, đang chăm sóc tiêu 8 tháng tuổi trong nhà lưới
Đồng chí Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Trường cho biết thêm, bà con nông dân trong xã rất chịu khó, biết khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế tiềm năng đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, nên đời sống, thu nhập của bà con không ngừng được cải thiện, ngoài việc trồng tiêu, gia đình nào cũng có đất trồng rừng, phát triển ngành nghề, dịch vụ…thôn Trường Xuân là một trong những thôn về đích trong xây dựng nông thôn mới của xã. Tuy nhiên, kinh nghiệm trồng tiêu của bà con chưa nhiều, khí hậu, thổ nhưỡng của xã không bằng những nơi khác trong tỉnh nên phải đầu tư nhiều. Mặt khác, nguồn vốn ưu đãi vẫn còn hạn chế nên cũng rất khó khăn. Thời gian tới Hội Nông dân xã tiếp tục tạo điều kiện để bà con được tiếp cận với công nghệ mới, tổ chức tham quan học tập vùng trồng tiêu trong tỉnh, tiếp cận với các nguồn vốn để hỗ trợ nông dân.
Viêc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi; cây trồng, tìm hướng làm ăn mới mang tính bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao bằng mô hình liên kết trồng tiêu thâm canh, đây là một bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng cần được hỗ trợ và nhân rộng./.
Nguyễn Đán