Nằm ở vùng ven đô thành phố Đông Hà, bên dòng sông Hiếu Giang, Khu phố 1, phường Đông Giang được nhiều người biết đến với tên gọi làng hoa An Lạc, bởi nơi đây nổi tiếng có nghề truyền thống về trồng hoa, cây cảnh; hàng năm làng An Lạc cung cấp nhiều loại hoa đẹp, chất lượng cho nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh trong mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Mô hình trồng hoa cúc tại vườn hoa tập trung của hội viên Hoàng Hữu Khiêm, khu phố 1, phường Đông Giang
Theo chia sẻ của những người trồng hoa lâu năm thì trước năm 2005, nghề trồng hoa ở An Lạc chủ yếu tự phát và từ một số hộ trồng hoa vườn, dần dần số hộ trồng hoa được tăng lên. Nhận thấy thổ nhưỡng đất đai ở đây rất phù hợp trồng hoa, đặc biệt thị trường đầu ra ổn định, nhu cầu của khách hàng ưa chuộng mặt hàng hoa cũng mạnh nên để đảm bảo liên kết trong tiêu thụ, năm 2010 Đông Giang đã thành lập tổ hợp tác sản xuất hoa An Lạc, gồm có 10 thành viên tham gia, phát triển lên 20 thành viên. Từ khi tổ hợp tác được thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa của người trồng hoa An Lạc có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, tổ hợp tác đã xây dựng thành công nhãn hiệu, thương hiệu hoa An Lạc. Được UBND thành phố Đông Hà quy hoạch vùng trồng hoa tập trung 2ha và hỗ trợ đầu tư hệ thống 9 nhà màng khép kín để sản xuất hoa theo hướng thâm canh, đặc biệt chủ động được nguồn giống đối với các loại hoa ngắn ngày như đồng tiền, các loại hoa thân thảo, chủ động nguồn giống trong mùa mưa rét… Quản lý tốt và đa dạng các loại hoa đáp ứng nhu cầu của thị trường, Tổ hợp tác đã phân lô (gần 1000 m2/lô) cho mỗi thành viên và sản xuất các loại hoa khác nhau, chủ yếu các loại: hoa, cúc, ly, đồng tiền, dạ yến thảo, vạn thọ, hồng, hoa pháo và một số cây cảnh như sung, mai vàng… Hoa được trồng nhiều để cung cấp vào các dịp như cúng đất tháng Hai, rằm tháng Tư, tháng Bảy, tháng Tám (âm lịch)... và dịp Tết Nguyên đán.
Những trận lụt liên tiếp trong tháng 10 năm 2020 đúng vào dịp người dân vào vụ trồng hoa phục vụ Tết nên đã gây ảnh hưởng lớn sản lượng, chất lượng hoa năm nay. Khắc phục những bất lợi của thời tiết mưa, rét, chuẩn bị cho kịp tiến độ vụ hoa Tết Tân Sửu 2021, hiện nay bà con đang tập trung chăm sóc hoa, đối với số hoa cúc đã ươm giống bị hư hỏng nặng phải thay lại giống khác, tăng lượng đèn vào buổi tối; đưa các loại phân vi lượng để khắc phục tình trạng cây hoa bị ngập úng để kích rễ phục hồi cây, rồi sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học… Bằng kinh nghiệm của người làm nghề, cho đến thời điểm này thì cây đang phát triển tốt, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu khách hàng đúng dịp Tết.
Ông Hoàng Hữu Khiêm tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa An Lạc cho biết: “Nghề trồng hoa trước đây chủ yếu là hoa vườn tại các bãi bồi ven sông, sau thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quy hoạch của thành phố, bà con chuyển sang trồng hoa chậu là chủ yếu, vừa chủ động được thời tiết trong mùa mưa lụt vừa đáp ứng nhu cầu chơi hoa của thị trường. Dù bị ảnh hưởng của mưa lụt, nhưng đến nay các hộ trồng hoa đã tập trung chăm sóc để cây phục hồi, sinh trưởng nở hoa đúng thời điểm. Tết Tân Sửu năm 2021, hoa An Lạc dự kiến cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 35.000 chậu hoa các loại… Mỗi chậu có giá khoảng 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy loại, ước đạt doanh thu là 4 tỷ, sau khi trừ chi phí, các hộ trồng hoa còn lãi khoảng 2 tỷ”
Qua trao đổi với anh Lê Văn Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Giang, chúng tôi được biết: Thời gian qua, Hội đã chủ động duy trì nghề truyền thống khỏi bị mai một bằng cách vận động hội viên trồng một số loại hoa, cây cảnh tại đất vườn nhà. Hiện nay, toàn phường có 70 hộ thu nhập chủ yếu bằng nghề trồng hoa, cây cảnh, trong đó tập trung chủ yếu tại khu phố 1 có 50 hộ trồng hoa vườn và hoa chậu. Hội đã đồng thời phối hợp với Tổ hợp tác hoa xây dựng thành công thương hiệu hoa An Lạc từ năm 2018, được khách hàng đánh giá là hoa đẹp, tươi lâu, cành và lá khỏe nên dễ vận chuyển. Hội Nông dân đã phối hợp với các ban, ngành mở các lớp tập huấn, dạy nghề kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa; tạo điều kiện các hộ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi với dư nợ 500 triệu đồng để đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho hội viên. đem lại hiệu quả kinh tế. Năm nay, dù gặp mưa lụt, nhưng đến nay thời tiết đã rất thuận lợi với các hộ sản xuất hoa. Đặc biệt, từ khi được hỗ trợ nhà màng, các hộ đã chủ động được nguồn giống bằng cách tự ươm, gieo hạt giúp giảm chi phí sản xuất. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ hoa khoảng 100 triệu – 160 triệu mỗi năm.
Còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, khắp nơi trong làng hoa đã nhộn nhịp người chăm sóc hoa và nhiều thương lái đến liên hệ đặt hàng. Có thể nói, nghề trồng hoa, cây cảnh tại làng An Lạc không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình mà còn tô thêm vẽ đẹp của đô thị Đông Hà./.
Trần Thúy