Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở xã Trung Nam (huyện Vĩnh Linh) trong những năm qua đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp. Qua đó đã tác động tích cực đến đời sống của cán bộ, hội viên, nông dân, giúp họ có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu. Cũng từ phong trào này, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Trang trại nuôi gà theo hướng liên kết của hội viên Trần Hữu Thụ xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh
Đến với Khu dân cư 8, xã Trung Nam, không ai không biết tới anh Trần Hữu Thụ, 57 tuổi, một nông dân dám nghĩ dám làm, dám thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư và đã thành công, vươn lên phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất vườn của mình. Bắt tay vào làm kinh tế từ khi còn rất trẻ, đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi, nhưng để bắt kịp với sự thay đổi và phát triển không ngừng của ngành nông nghiệp, các chủ trương chính sách về tái cơ cấu, dồn điển đổi thửa hay ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong quá trình sản xuất, anh Thụ đã trải qua nhiều lần chuyển đổi và đầu tư vào các loại cây, con khác nhau.
Từ những năm 1990, anh Thụ đã được biết đến là một tấm gương làm ăn giỏi, biết cách cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế. Tiêu là cây trồng đầu tiên được anh đưa vào canh tác sau khi cải tạo toàn bộ diện tích đất vườn. Với quy mô 600 gốc, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, quá trình chăm bón và thu hoạch gặp không ít khó khăn khi thì dịch bệnh, khi thì mất mùa… Dần dần ổn định, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ các vùng chuyên trồng tiêu trên địa bàn huyện, vườn tiêu của anh bắt đầu cho tín hiệu khả quan. Trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 1,5-2 tấn tiêu khô thành phẩm, nhờ đó mà gia đình đã có được đồng ra đồng vào.
Cũng thời kỳ này, phong trào trồng cây cao su tiểu điền phát triển mạnh tại huyện Vĩnh Linh, trở thành loại cây kinh tế mới của nhiều bà con nông dân, anh Thụ đã bàn bạc với gia đình, quyết định đầu tư mua 1,5 ha đất gần nhà để trồng cao su, sau khoảng 5 năm thì đã cho thu hoạch. Đồng thời, tận dụng nguồn quỹ đất vườn còn lại anh xây chuồng trại chăn nuôi lợn để tăng thu nhập. Với quy mô vừa phải, mỗi lứa anh Thụ nuôi khoảng 40 con lợn thịt, cứ 3 tháng lại cho xuất chuồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi ròng từ chăn nuôi, trồng trọt khoảng 200 triệu đồng/năm.
Anh Thụ chia sẻ: “Trước đây, bên cạnh việc làm kinh tế, bản thân tôi cũng có tham gia công tác của thôn, xã với gần 10 năm làm Phó trưởng Công an xã, 2 nhiệm kỳ Bí thư Chi bộ thôn và 2 nhiệm kỳ Trưởng thôn, sau khi về hưu tôi có nhiều thời gian tìm tòi các mô hình kinh tế mới. Nhất là khi phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và “cải tạo vườn tạp” trong xây dựng NTM lan tỏa mạnh mẽ ở địa phương, tôi ý thức được rằng mình cần có trách nhiệm đóng góp vào công việc chung thông qua việc nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình”. Quyết tâm “khởi nghiệp” một lần nữa ở độ tuổi 57, anh Thụ thử nghiệm mô hình nuôi gà gia trại, theo hướng khép kín, hiện đại và có sự liên kết với công ty. Năm 2019, anh Thụ bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu về các trang trại, gia trại nuôi gà có liên kết với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star. Sau khi nhận thấy các ưu điểm và hiệu quả từ mô hình này, đầu năm 2020 anh Thụ liên hệ đặt vấn đề trực tiếp với công ty. Đồng thời, mạnh dạn vay thêm 400 triệu đồng góp với vốn tích lũy bấy lâu nay để thực hiện mô hình. Hệ thống chuồng trại nhanh chóng được hoàn thành với diện tích 650m2 cùng trang thiết bị hiện đại như: kho thức ăn riêng, hệ thống làm mát, hệ thống cho ăn, cho uống và mái che chắn tự động, camera quan sát, hệ thống điện chiếu sáng… Anh Thụ cho biết: “Quá trình nuôi hoàn toàn khép kín, con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh đều được Công ty cung cấp và gà sau khi đạt đến độ xuất bán thì được công ty bao tiêu theo giá thị trường. Ban đầu chỉ cần vốn xây dựng hệ thống chồng nuôi còn lại phía Công ty sẽ hỗ trợ theo hình thức thanh toán sau, khi thu mua mới trừ các khoản chi phí”.
Trong lứa đầu tiên, anh Thụ thả nuôi khoảng hơn 6.000 gà giống, sau 3 tháng chăm sóc thì gà đạt đạt chuẩn có trọng lượng từ 2,2-2,5kg/con. Giá bán giá động từ 50-58 ngàn đồng/kg, tùy theo biến động của thị trường. Với 10 tấn gà thương phẩm, sau khi trừ chi phí anh Thụ thu lãi ròng trên 100 triệu đồng/lứa. Trung bình mỗi năm có thể cho xuất bán 3 lứa, hiện nay mô hình trại gà của anh Thụ đang thả nuôi lứa thứ 2 và dự tính sẽ xuất bán vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Thành công ngay trong lứa nuôi đầu tiên đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình anh Thụ. Theo anh, ưu điểm của mô hình này là vừa tận dụng được không gian vườn nhà vừa được cung cấp nguồn giống đảm bảo và không lo quá nhiều về vốn thức ăn, thuốc phòng bệnh. Mặt khác nhờ ứng dụng các khoa học kỹ thuật hiện đại và môi trường nuôi theo quy chuẩn nên quá trình chăm sóc không quá khó khăn hay tốn nhiều thời gian như việc nuôi thủ công, gà lại ít bị bệnh và phát triển đồng đều.
Anh Thụ cũng chia sẻ thêm, để có được mô hình thành công bên cạnh việc dám đầu tư, nắm bắt đúng cơ hội thì anh còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ Hội Nông dân các cấp, chính sách dồn điển đổi thửa đúng đắn của chính quyền địa phương để giúp người nông dân có được mặt bằng rộng phát triển các mô hình kinh tế. Cùng với đó là sự đồng hành của Quỹ tín dụng - Liên minh HTX Quảng Trị đã hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất thấp, nhờ đó có thêm điều kiện để đầu tư.
Thời gian tới, anh Trần Hữu Thụ dự định sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi gà của mình, xây dựng thêm một hệ thống chuồng trại chăn nuôi có diện tích 650m2 để tận dụng toàn bộ quỹ đất vườn còn lại của gia đình. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, vận động các hội viên nông dân tại khu dân cư nhân rộng mô hình từng bước nâng cao thu nhập./.
Phương Nga